Với mong muốn được hưởng các quyền lợi cơ bản: quyền tự do, quyền kết hôn, quyền được nhận con nuôi… và được pháp luật bảo vệ như những người bình thường, cộng đồng LGBT (gồm: người đồng tính nam/nữ, người song tính luyến ái, người chuyển giới,…) nỗ lực hành động với hi vọng xã hội sẽ đồng ý với hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, điều đó đã hoàn toàn bị dập tắt, khi Quốc hội không thừa nhận điều này.
Hầu hết người trong cộng đồng LGBT đều theo dõi sát sao những thông tin liên quan đến dự thảo sửa đổi luật của Quốc hội đối với những người đồng tính. Và họ tỏ ra vô cùng hụt hẫng khi biết thông tin quốc hội không thừa nhận kết hôn đồng giới.
Nhiều người chuyển giới của cộng đồng LGBT cho rằng: Bất cứ ai sinh ra đều có quyền lợi như nhau, có nhu cầu hưởng các chế độ phúc lợi xã hội giống nhau. Hơn nữa, bản chất của tình yêu là không phân biệt giới tính, màu da, kinh tế hay địa vị xã hội.
H.V – một người chuyển giới trong cộng đồng LGBT chia sẻ: Chúng ta hay dựa vào "thuần phong mỹ tục" để không chấp nhận hôn nhân đồng giới. Nhưng quan điểm của mình thì khác. Truyền thống của người Việt Nam ngàn đời nay là tương thân tương ái, đùm bọc sẻ chia chứ không phải là cấm đoán hay áp đặt. Như bác Hồ có nói trong Tuyên ngôn độc lập (1945): "Bất cứ ai sinh ra đều bình đẳng như nhau. Ai cũng có quyền được sống,quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc".
Rất nhiều bạn trẻ tham gia chương trình I do để ủng hộ hôn nhân đồng tính
Sau quyết định “không phản đối nhưng cũng không thừa nhận” hôn nhân đồng tính của Quốc hội, cuộc sống của những người thuộc thế giới thứ 3 sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn. Họ vẫn có thể làm đám cưới nhưng lại không được pháp luật công nhận. Chính vì không công nhận hôn nhân đồng giới và chưa có hành lang pháp lý cho người chuyển giới nên các thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ y tế dành cho họ còn nhiều bất cập.
H.V tâm sự: Mình là người chuyển giới, việc sử dụng y tế của những người chuyển giới hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những người như mình, nhu cầu sử dụng hooc môn của người chuyển giới là cần thiết. Bởi một người chuyển giới muốn chuyển đổi giới tính thì phải mất 2 năm sử dụng hooc môn đều đặn. Nhưng khi tới các trung tâm y tế hay bệnh viện thì lại gặp rất nhiều rào cản. Trên thực tế, có rất ít các cơ sở y tế thân thiện với các đối tượng thuộc nhóm người của LGBT.
Thứ nhất, việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với một người chuyển giới là vô cùng khó khăn. Do ngoại hình không thật với giới tính nên khi đi vào bệnh viện làm thủ tục thì ảnh trong chứng minh thư không trùng khớp với diện mạo bên ngoài. Vì thế, người chuyển giới gặp khó khăn khi xác minh thân thế.
Quốc hội không phản đối nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của những người đồng tính.
Không chỉ vậy, một số cán bộ y tế lại tỏ ra không thiện cảm, thậm chí còn kì thị, tỏ vẻ khó chịu khi làm việc với những người như mình. Đó là lí do vì sao, hầu hết người chuyển giới chỉ khám chữa tại các phòng khám tư nhân chứ ít khi vào bệnh viện hay các trung tâm y tế.
H.V kể: Chúng mình là những người đồng giới, sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện có con mà chỉ dám nghĩ đến việc nhận con nuôi. Tuy nhiên, riêng việc kết hôn, xin hoặc nhận con nuôi đối với những người đồng tính cũng gặp rất nhiều phiền toái.
Theo luật pháp Việt Nam, một cặp vợ chồng chỉ được nhận con nuôi khi có giấy đăng ký kết hôn. Nhưng với những cặp đôi đồng giới thì lại không được hưởng quyền lợi đó vì họ chưa được pháp luật công nhận là một cặp vợ chồng. Như vậy, ước muốn xây dựng hạnh phúc gia đình cùng những đứa con với họ là một ước mơ xa vời.
Cũng vì giới tính khác so với người bình thường nên quyền được bảo vệ trước pháp luật, quyền được thừa kế và chia tài sản đối với những người đồng tính cũng không được bất cứ hành lang pháp lý nào bảo vệ. Đó là nỗi trăn trở của những người đồng tính. Cố gắng bứt ra, sống thật với chính mình để hòa nhập với cộng đồng. Nhưng liệu rằng, họ còn dám mở lòng để sống thật với bản thân khi dường như mọi thừ đều quay lưng lại với mình?