“Khoảng 2h sáng, khi tôi đang vào phòng chờ đẻ thì bỗng thấy tiếng chân huỳnh huỵch, sau đó là 3 cô gái còn rất trẻ đang dìu một cô gái khác vào phòng. Vào đến nơi, cô gái trẻ có khuôn mặt rất xinh chỉ kịp bỏ quần ra thì đứa bé đã chào đời với tiếng khóc to, khỏe”.
Tiếp theo câu chuyện, chị bạn tôi - người vừa vượt cạn lần 2 chưa đầy 2 tháng kể: Thực ra chuyện người ta đi đẻ tại khoa sản là điều hết sức bình thường nhưng với trường hợp này thì tôi vô cùng ấn tượng bởi hoàn cảnh đặc biệt của cô gái.
Cô gái trẻ đó làm công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sát ngày sinh cô ấy vẫn mặc quần bò nên bạn bè không hề phát hiện ra cái thai trong bụng. Chỉ đến lúc cô bé kêu đau bụng vì có dấu hiệu chuyển dạ, biết không thể giấu nên cô ấy đành nói thật và được 3 cô bạn cùng phòng tức tốc đưa vào BV. Rất may là cô khỏe mạnh nên vừa vào đến nơi thì đứa bé đã ra đời một cách dễ dàng.
Ảnh minh họa. |
Sau khi giúp bạn “mẹ tròn con vuông”, mấy cô bạn mới lấy điện thoại của cô gái ra xem thì thấy có tin nhắn cho anh người yêu mà cô gọi là “chồng”. Mặc dù cô đã thông báo mình sắp chuyển dạ nhưng anh chàng kia chỉ nhắn lại là ngày mai anh đến. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau họ chờ mãi mà không thấy bố của đứa bé đến nhận con.
Lúc này, tôi cũng đã sinh con an lành và được xếp nằm cùng phòng người mẹ trẻ đó. Cô gái chờ mãi, chờ mãi mà không thấy anh “chồng” đến; mấy cô gái trẻ không biết làm sao đành gọi về nhà cho ông bà ngoại đứa trẻ để “cầu viện” vì họ không đành lòng để bạn ở lại mà không ai chăm sóc. Thế nhưng sự tuyệt vọng càng nhân lên khi ông bà ngoại đứa trẻ nói rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể lên Hà Nội chăm sóc con. Và họ cũng không thể nuôi được đứa bé…
Rất “may mắn” cho người mẹ trẻ, có người đang muốn nhận con nuôi nên đến BV liên hệ và mọi thủ tục cho con diễn ra thật nhanh gọn. Người mẹ trẻ có lẽ như trút được gánh nặng bấy lâu nay nên đồng ý thật mau.
“Nhìn con mình đang được ôm trong vòng tay, được bú sữa tôi dấy lên sự thương cảm, xót xa với sinh linh bé bỏng kia. Không biết rồi tương lai cháu sẽ ra sao? Có thể cháu sẽ vô cùng hạnh phúc, sung sướng vì có được người mẹ, người cha đang “khát” con nên sẽ được sự chăm sóc chu đáo. Nhưng một điều tôi thấy cháu thiệt thòi nhất chính là không được bú dòng sữa mẹ dù chỉ một lần. Người mẹ trẻ kia chỉ vì nông nổi, bồng bột, thiếu hiểu biết mà để cháu sinh ra ngoài ý muốn, chịu những thiệt thòi rất lớn” - chị bạn tôi rơm rớm nước mắt, kể lại.
Chuyện những cô gái trẻ “ăn cơm trước kẻng” và để lại hậu quả mang thai ngoài ý muốn vẫn chưa dừng ở đây. Chị bạn tôi lại tiếp, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ chờ sinh ở khoa đẻ mà tôi đã chứng kiến mấy trường hợp đáng tiếc. Sau vụ của cô gái trẻ kia lại là một cô bé khác.
Cô bé này được bạn trai đưa đến lúc 3h sáng trong tình trạng băng huyết. Cả 2 đều còn rất trẻ, khuôn mặt non nớt, ngây thơ. Cô bé này ấp úng nhận cậu bé kia là chồng của mình nhưng cái thai bao nhiêu tuần tuổi thì chỉ lắc đầu nói không biết. Cô bé đó nhanh chóng được bác sĩ cấp cứu và đã qua cơn nguy kịch…
Điều khiến tôi day dứt là sẽ còn bao nhiêu những thiếu nữ phải trải qua hoàn cảnh này, khi mà thông tin thì vô tận và lối sống của các em ngày càng cởi mở?
Góp chuyện về chủ đề này, một cô bạn tên Hiền kể về đứa cháu họ phải vội vã cưới chồng khi mới 17 tuổi. Hôm vừa rồi mẹ tôi gọi điện ở quê lên hỏi cái Th, cháu bác V, sắp cưới chồng đấy, bác ấy có mời không? Tôi giật mình vì nhớ hôm tết về gặp con bé phổng phao, xinh xắn nhưng còn đang học phổ thông. Hỏi ra mới biết vì nó quá xinh nên nhiều người theo đuổi, “nhòm ngó”, tán tỉnh nên không giữ được mình. Khổ cái vì chúng nó bây giờ thừa thông tin nhưng lại thiếu hiểu biết nên phải cưới chạy, cưới chui. Việc học hành thì dang dở. Bác tôi chuẩn bị được lên chức “cụ” khi mới ngoài 60.
Những chuyện đau lòng, đáng buồn trên đang ngày càng gia tăng. Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em thì năm 2012, tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên trên tổng số phá thai toàn quốc là 2,3%. Tại BV Phụ sản Trung ương, trong các năm gần đây, phá thai vị thành niên chiếm khoảng 5% tổng số ca phá thai.
Đến lúc này, điều mà mỗi bậc cha mẹ cần làm là tăng cường giáo dục giới tính cho trẻ; “vẽ cho hươu chạy đúng đường” bằng cách cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết để có thể ngăn chặn được hậu quả từ “gốc”. Đồng thời, hướng cho trẻ những thói quen, lối sống lành mạnh để hạn chế sự tác động từ những yếu tố ngoại cảnh, giúp trẻ có thái độ sống đúng mực.