Những dấu hiệu tuổi dậy thì của trẻ vị thành niên
Trẻ vị thành niên bắt đầu có những bước ngoặt mới khi đến tuổi dậy thì với những sự thay đổi khá lạ lẫm. Hãy tìm hiểu về những dấu hiệu của tuổi dậy thì ở trẻ vị thành niên
Trẻ vị thành niên là gì?
Độ tuổi của trẻ vị thành niên nằm trong khoảng từ 10 – 19 tuổi, là sự chuyển giao của thời thơ ấu sang người trưởng thành. Đây là thời điểm mà trẻ có nhiều chuyển biến trong các mối quan hệ xã hội, trong lối sống và hình thành, hoàn thiện nhân cách. Đồng thời trẻ vị thành niên có một sự phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ. Những đặc điểm đó là minh chứng cho việc trẻ bước vào tuổi dậy thì.
Căn cứ vào các yếu tố thể chất, tâm lý trong mỗi thời kì, người ta chia làm 3 giai đoạn của tuổi vị thành niên: đầu vị thành niên; giữa vị thành niên và cuối vị thành niên.
Dấu hiệu tuổi dậy thì trong từng giai đoạn
Ở giai đoạn đầu tiên, được tính với nam là 12- 14 tuổi, với nữ là 10- 12 tuổi. Nữ sẽ có núm vú nhô lên do tuyến vú phát triển, nam bắt đầu phát triển dương vật, dịch hoàn tiết ra chất testosterone. Giai đoạn này trẻ bắt đầu mọc lông mu, lông nách, bộ phận sinh dục phát triển.
Giai đoạn đầu vị thành niên, trẻ bắt đầu muốn thoát ra vỏ bọc của bố mẹ, thích gặp gỡ và giao lưu bạn bè nhiều hơn. Trong tính cách trẻ bắt đầu khẳng định cái tôi độc lập, muốn tìm hiểu và khám phá những thay đổi trên cơ thể mình.
Tuy nhiên, cảm xúc của những đứa trẻ này còn khá lưỡng cực, dễ thay đổi, suy nghĩ còn trừu tượng. Mặc dù đã có những bước đầu phát triển nhưng ở tuổi này về cơ bản trẻ vẫn mang những đặc trưng của một đứa trẻ, vẫn cần rất nhiều sự quan tâm, che chở của bố mẹ và gia đình.
Trong giai đoạn giữa vị thành niên, quá trình dậy thì diễn ra khá đầy đủ. Ở nữ: vú và âm đạo phát triển nhanh, quầng vú nở ra và đôủ màu, bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt và rụng trứng. Còn ở nam thì bộ phận sinh dục cũng dần hoàn thiện và có hiện thưỡng xuất tinh.
Lúc này, trẻ cố gắng vươn mình ra tìm kiếm sự độc lập, muốn thoát khỏi kiểm soát của cha mẹ, hay xảy ra mâu thuẫn với các mối quan hệ trong gia đình. Trẻ thường nhạy cảm hơn, hay bất đồng, tranh cãi để thỏa mãn khát vọng làm người lớn của mình. Giai đoạn này trẻ vẫn còn suy nghĩ chưa chín chắn, dễ nông nổi và mắc sai lầm.
Các mối quan hệ xã hội phức tạp cũng bắt đầu được hình thành trong trẻ, trẻ bắt đầu có những cảm xúc về tình yêu, muốn tìm hiểu bạn khác giới và thích thể hiện mình. Đây vẫn là thời kì trẻ phát triển hoàn thiện về nhân cách và trí thông minh của mình.
Giai đoạn cuối vị thành niên là giai đoạn mà trẻ gần như hoàn thành quá trình dậy thì của mình. Bộ phận sinh dục trong và ngoài phát triển hoàn thiện, tâm lý, cảm xúc cũng hoàn toàn người lớn hơn.
Trẻ bắt đầu có những hình thành về lý tưởng sống và các giá trị đạo đức xã hội. Trẻ bắt đầu xây dựng hình ảnh cá nhân, tuyên bố về sự độc lập, bắt đầu suy nghĩ cho tương lai. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa thực sự người lớn, cần có thời gian để trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ.