Khi cuộc sống đang êm ấm, bà đã phải gạt nước mắt chấp nhận bị người phụ nữ chen ngang, quan hệ bất chính với chồng. Đến khi “mối tình vụng trộm” ấy cho ra đời một đứa trẻ, lại cũng là người phụ nữ ấy đến tận nơi xin bà hãy giúp đỡ, nuôi nấng.
Vậy mà 10 năm sau, khi đã dành hết tình yêu, sự bao dung cho con của tình địch, bà lại phải gạt nước mắt nhìn chị ta quay về đòi quyền nuôi dưỡng đứa con.
Vụ kiện tụng hy hữu ấy đã làm xôn xao dư luận Tây Nguyên. Và rất hy hữu, khi mẹ ruột đứa trẻ lại là đối tượng bị lên án.
Lòng bao dung hiếm có
Cách đây hơn hai mươi năm, bà Nông Thị Tý (43 tuổi, quê gốc Cao Bằng, hiện trú tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) thuận lòng về làm vợ ông Nông Văn Hội (45 tuổi). Thời ấy ở nơi hai vợ chồng sinh, đất đai bạc màu nên mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, một vụ màu. Được bà con mách nước trong Tây Nguyên đất rộng, người thưa, bà Tý bàn với chồng gom góp tiền bạc vào vùng đất mới lập nghiệp. Sau khi quyết định, hai người gửi lại hai đứa con nhỏ rồi khăn gói lên đường.
Được sự giới thiệu của người đồng hương, đôi vợ chồng lặn lội vào huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum làm thuê làm mướn. Sau hơn 5 năm quần quật làm lụng, chi tiêu tiết kiệm, hai vợ chồng dành dùm được tiền mua một hec – ta cà phê làm kế sinh nhau.
Từ ngày có đất trong tay, cuộc sống gia đình đỡ cơ cực hơn. Đông qua, Xuân lại, vườn cà phê được chăm bẵm nhanh chóng cho thu hoạch. Vợ chồng bà không những dư dả tiền mua thêm gần chục hec – ta cà phê mà còn tậu được nhà, sắm sanh vật dụng đắt tiền. Nhưng đúng vào lúc cuộc sống dần dễ thở, ông Hội lại thay lòng đổi dạ.
Khi phát hiện chồng léng phéng, bà Tý đau lòng lắm. Bà hết lời nguyên ngăn, mong ông hồi tâm quay về giữ gìn hạnh phúc gia đình. Song đáp lại, ông Hội một mực phủ nhận.
Ngôi nhà đã chứng kiến cháu bé lớn lên suốt 10 năm. |
“Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, chuyện ông “đuổi bướm, hái hoa” rồi cũng đến lúc không giấu được nữa. Ngày ông về thú thật xin tha lỗi, bà “chết đứng” khi theo sau chồng còn có một người phụ nữ bụng chửa vượt mặt. Vừa giận dữ, vừa cay đắng, bà cố nén lại để hỏi han thì mới hay người phụ nữ kia cũng là dân gốc Bắc vào đây lập nghiệp.
Sau khi quan hệ bất chính với ông Hội, chị ta đã mang thai sắp đến kỳ sinh nở. Vì không có khả năng nuôi con, chị đành bàn với ông Hội quay về nhà năn nỉ, xin vợ đồng ý nhận nuôi đứa con này.
Bà nuốt nước mắt kể lại: “Lúc nhận được tin chồng có con với người ta, lòng tôi buồn lắm. Nhưng nghĩ mình phận làm đàn bà, người ta cũng làm đàn bà mà đứa trẻ nào có tội tình gì đâu. Tội lỗi là ở phía người lớn gây ra cho nó. Nghĩ thế, tôi đồng ý cho cô ta tá túc tại nhà đến ngày sinh nở, rồi nhận luôn đứa trẻ ấy về nuôi. Mình chăm nó còn hơn chăm con ruột!”.
Phần người mẹ, sau khi giao con cho bà đã bỏ đi biệt tích. Tự an ủi mình, bà coi đó là số phận. Từ sau khi nhận đứa con này, ông Hội tu chí hẳn, suốt ngày cắm cúi trong rẫy, tối về lại lụi cụi chăm con. Nhiều lúc nhìn chồng, bà cũng thấy thương cảm mà nguôi lòng oán giận.
Đứa trẻ lớn dần lên trong vòng tay yêu thương của hai vợ chồng. Không biết bao lần, bà mất ăn mất ngủ chăm sóc cho con riêng của chồng những khi đau ốm. Mỗi lúc rỗi rãi, bà lại bồng đứa trẻ đi chơi khắp nơi. Vườn cà phê trước đây, bà thường thuê hàng chục công nhân đến làm lụng. Thì nay, bà xắn tay, không quản vất vả cuốc, xới để tiết kiệm tiền lo cho đứa bé. Trong thâm tâm, người phụ nữ đã hy vọng sau này đứa bé lớn lên sẽ coi bà như mẹ ruột. Bà không ngờ, mọi việc sau đó lại không như ý muốn.
Bẽ bàng ngày hội ngộ
Đứa trẻ lớn lên bụ bẫm, ngoan ngoãn và học giỏi trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng bà. Nhưng một ngày trời mưa tầm tã, người phụ nữ năm xưa đã trở lại. Phút giây tương ngộ, ông Hội như lặng đi trước người xưa đã biệt tích hàng chục năm. Còn bà Tý, nhìn thái độ lúng túng của chồng, nhìn đôi mắt khẩn khoản của người phụ nữ kia, bà linh tính đến cái điều đã lo sợ bấy lâu nay.
Người phụ nữ kia lặng lẽ vào nhà, ngồi nép bên chiếc ghế nhỏ giữa nhà. Phải một lúc lâu sau, chị mới kể về những ngày lưu lạc đầy nước mắt. Sau khi sinh và giao đứa con lại cho vợ chồng bà Tý, chị ta buồn tủi quá nên lang thang làm thuê khắp nơi từ Gia Lai sang Đắk Lắk, nhưng nỗi nhớ và sự ân hận vì đã bỏ rơi con khiến chị phải tìm đường để trở về.
Qua người dân địa phương, chị rất vui khi biết bà Tý đã yêu thương, hết lòng chăm sóc đứa bé. Chị mong bà Tý hãy cho “xin lại” đứa con, để nó được sống với mẹ ruột.
Nghe tình địch năm xưa bày tỏ, bà Tý như đứt từng khúc ruột. Tình huống hôm nay, bà đã lường trước nhưng không ngờ nó lại đến sớm như thế. Sau khi tỏ rõ ý định, người phụ nữ rời đi, nhưng xin tá túc ở một ngôi nhà gần đó để có thể ngày ngày gặp con. Trong lúc vợ chồng bà Tý chưa quyết ra sao, chị ta bất ngờ đâm đơn kiện đòi quyền nuôi con lên UBND xã.
"Gần chục năm trời chị ta bỏ đi, tôi luôn xem cháu như con ruột. Nó đã quen sống cùng tôi nên nhất quyết từ chối đoàn tụ với mẹ. Không ngờ, chị ta nhất quyết ăn thua bằng cách nhờ pháp luật để giành giật đứa bé. Với tôi, nó chẳng khác nào hành động ăn cướp trắng trợn”, bà Tý xót xa.
Kể thêm về tình cảnh hiện tại, bà Tý rơm rớm nước mắt nói: “Nếu thật sự thương yêu, chị ta cứ từ từ làm quen rồi chiếm tình cảm đứa bé. Khi cháu chấp nhận, tôi sẵn sàng cho cháu về đoàn tụ với mẹ. Đằng này, biết rõ con đang sống hạnh phúc nhưng chị ta vẫn về kiện tụng, nhất quyết tách rời cháu bé khỏi cuộc sống đầy đủ vật chất, được yêu thương hết mực thì có phải là người mẹ tốt không?
Khi chị ta gửi đơn kiện tụng, nhiều bà con cả trong và ngoài xã cũng hết sức bất bình. Tôi cũng đã trình bày toàn bộ nguyện vọng như vậy trước tòa án. Rất tiếc là mọi chuyện đã diễn ra không như mong đợi”.
Bà Tý buồn bã vì câu chuyện đã xảy ra. |
Được biết, khi tiếp nhận đơn kiện của người phụ nữ nói trên, Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy cũng đã xem xét hoàn cảnh vợ chồng. Nhưng theo đúng luật định, Tòa vẫn phải xử cho cháu bé trở về sống với mẹ.
Ngày nhận quyết định, bà Tý thất thểu bước về nhà mà lòng buồn rười rượi. Nếu như vào thời điểm đó không có sự cưu mang cứu giúp, sự thương yêu chân thành hay sự hy sinh thầm lặng của bà thì ngày nay, người mẹ ruột ấy sẽ tìm con ở đâu? Đứa bé có được yêu thương chăm sóc, bao bọc trong vòng tay thân ái và được nuôi nấng, học hành như ngày hôm nay không?
Từ ngày đứa bé theo mẹ bỏ đi, bà chưa nhận được một thông tin gì. Vì quá thương nhớ, sức khỏe bà Tý suy sụp rất nhiều. Nhiều lúc nhìn căn nhà vắng tiếng í ới của đứa trẻ, bà Tý lại buồn thắt ruột. Ông Hội cũng không còn vui như trước. Dẫu đó cũng chính là đứa con của ông, nhưng ông không biết làm cách nào để giữ lại.
Chiều chiều, bà Tý cứ ngồi bên bậu cửa, mắt lại hướng về phía con đường, chắc hẳn bà đang mong một lúc bất ngờ nào đó, đứa con ấy sẽ đột ngột trở về.
Người mẹ đã sai lầm
Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Pheng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Rờ Kơi cho biết: “Đây là vụ án mà đối tượng tranh chấp là một con người. Cuộc sống của bé từ nhỏ đến giờ đã thiệt thòi. Mẹ ruột cháu bỏ đi, bà Tý đã dành hết tâm sức, tình yêu thương để cưu mang, nuôi dạy bé nên người. Chuyện người đàn bà kia đột ngột trở về và kiện đòi con đã gây xôn xao dư luận cả xã.
Thiết nghĩ trong trường hợp này, người lớn cần có sự cảm thông, chia sẻ và vun vén tình cảm cho đứa trẻ từ từ. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì rất cần có thời gian để chăm sóc, thể hiện tình cảm thì đứa trẻ mới có thể cảm nhận được và dần dần dễ chấp nhận sự thật hơn!”.
Luật sư Trần Văn Đức (GĐ công ty luật Trường Sa): “Ông Hội có quyền yêu cầu được biết tin con”
Câu chuyện quyền nuôi con giữa hai người mẹ nói trên quả thực là trường hợp hy hữu. Trong thời gian gần 10 năm, mẹ nuôi của đứa bé (bà Nông Thị Tý) đã thể hiện lòng bao dung, tình yêu thương tuyệt vời.
Về điều này, chính quyền cũng như những người xung quanh đã xác nhận. Nhưng xét về mặt luật pháp, bà vẫn không phải người được quyền nuôi dưỡng trực tiếp cháu bé. Vì vậy có thể nói, đây là cuộc tranh chấp giữa bố và mẹ ruột của cháu.
Dù đã bỏ đi biệt tích một khoảng thời gian dài, hoàn toàn không nuôi dưỡng và giáo dục cháu, song mẹ ruột của cháu hoàn toàn được phép tranh chấp quyền nuôi con với chồng. Chị ta đã thực hiện những thủ tục cần thiết về pháp lý để phiên tòa xét xử tranh giành quyền nuôi con diễn ra.
Điều đáng chú ý ở đây là phiên toàn diễn ra sau gần 10 năm người mẹ bỏ con ở lại cho bà Tý, tức là trước pháp luật, cậu bé này có quyền lựa chọn và quyết định mình sẽ sống với mẹ ruột hay cha và mẹ nuôi. Điều khiến tôi thấy khó hiểu là tại sao, cháu bé vẫn chấp nhận đi theo mẹ. Có lẽ không như bà Tý nói, cháu bé đã bị mẹ cảm hóa sau nhiều lần lén lút gặp gỡ.
Bên cạnh đó, một chi tiết khiến tôi chú ý là bà Tý và ông Hội chưa biết thông tin gì từ khi cháu theo mẹ ruột dời đi. Lẽ ra với tư cách cha ruột, ông Nông Văn Hội có quyền thăm nuôi và theo dõi những thông tin chính xác về con trai mình. Điều này được luật pháp hoàn toàn cho phép.
Có lẽ vì chưa có đủ kiến thức về luật pháp nên ông Hội đã bỏ qua quyền lợi chính đáng này của mình, dẫn đến việc bặt tin con. Hiện nay, ông Hội và bà Tý có thể đăng tải các thông tin tìm kiếm con hoặc thông qua các nguồn tin lân cận để biết thêm về đời sống hàng ngày của con trai.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Lượt (Chuyên gia tâm lý): “Người mẹ hai lần làm tổn thương cháu bé”
Trong câu chuyện tranh giành quyền nuôi con nói trên, đứa bé trai là người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Thiệt thòi đầu tiên là thuở nhỏ, cháu đã phải rời xa mẹ ruột. Rất may mắn là người mẹ nuôi tốt bụng, yêu thương và chăm sóc cháu như con ruột.
Khi mọi thứ đã bắt đầu ổn định thì cuộc sống của cháu lại bị xáo trộn khi người mẹ ruột đã 10 năm không gặp mặt đột ngột xuất hiện. Có thể nói, chị đã hai lần làm tổn thương con trai khi lập tức muốn giành quyền nuôi con và ép cháu rời khỏi mẹ nuôi.
Ở tuổi lên 10, cậu bé đã hình thành một phần cá tính, song điều đó chưa thực sự vững vàng. Vì vậy khi đối diện với sự thật có nhiều biến động về bản thân, cháu có thể đã không đủ tỉnh táo để vượt qua cú sốc lớn.
Việc người mẹ ruột đòi lại quyền nuôi con là hợp lý nếu xét trên tâm lý yêu con và muốn chuộc lỗi. Nhưng giá như, chị có phần nóng vội trong cách ứng xử thì sẽ ít làm tổn thương đến tâm lý của con trai và những người trong cuộc hơn.
Khi lựa chọn giải pháp kiện tụng, chuyện người mẹ ruột bị một bộ phận dư luận lên án, bởi thế cũng không phải là điều quá khó hiểu.