Chiều 20-2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC) – Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9, trước diễn biến dịch đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo ghi nhận thực trạng diễn biến bệnh dịch, Trung Quốc hiện nay được xem là ổ dịch lớn nhất thế giới và đã có gần 200 ca tử vong, tập trung ở 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đặc biệt hai tỉnh này tiếp giáp Việt Nam. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận cúm A H7N9”, Thứ trưởng Long cho hay.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương ngay sau cuộc họp này phải mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng.
“Tới đây, ngành y tế sẽ tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như Nha Trang, các khu vực biên giới với Trung Quốc. Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối…” - ông Long yêu cầu.
Cũng tại cuộc họp này, theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến thời điểm này mặc dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào trên người những đã xuất hiện 4 ổ dịch gia cầm H5N1, 1 ổ H5N6. Trong đó, 1 ổ dịch H5N1 buộc tiêu huỷ hơn 4.600 con vịt tại 3 hộ dân thuộc xã Trực Thuận, Trực Ninh, Nam Định; 1 ổ dịch H5N1 tại huyện Phú Đông, tỉnh Bạc Liêu và 1 ổ tại Diễn Châu, Nghệ An. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Trước nguy cơn dịch bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường kiểm soát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, xử lý triệt để các ổ dịch nếu có, đồng thời chia sẻ thông tin với các sở y tế.
Các ngành công thương, nông nghiệp phát triển nông thôn, công an, bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép.
Đặc biệt, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế và cộng đồng.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y, chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.
Ngoài ra, các cơ quan thông tin và truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người, thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế…