Phạt 1 triệu đồng nếu vợ chồng kiểm soát tiền của nhau quá chặt?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sắp tới vợ quản tiền và kiểm soát tài chính của chồng quá chặt sẽ bị phạt 1 triệu đồng và ngược lại.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 3 của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng.

Đáng chú ý, dự thảo quy định hành vi bạo lực về kinh tế sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 2 triệu đồng.

me
Phạt 1 triệu đồng nếu vợ chồng kiểm soát tiền của nhau quá chặt?

Cụ thể, các hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng; kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính (vợ kiểm soát tiền chồng hoặc ngược lại - PV); buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ; đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình; cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung của gia đình bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công an đã bỏ một số nội dung gây tranh cãi tại dự thảo trước như quy định xử phạt “vi phạm nếp sống văn minh” với hành vi “không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi đông người”, “có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng”...

Chuyên gia tư vấn tâm lý Văn Thanh Sĩ, tổng đài tư vấn 1088 TP HCM từng chia sẻ trên Vnexpress rằng, nói đến kiểm soát tài chính gia đình, người ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và thường nghĩ ngay tới hình ảnh người vợ "thu" lương hay quản tiền chồng. Thực tế, điều này không có nghĩa chỉ riêng cho vợ hay chồng mà là người nắm giữ tiền trong gia đình và kiểm soát quá đáng người kia.

"Có những người vợ không nắm tiền nhưng không cho chồng được tiêu xài tiền của mình bằng cách giữ thẻ ATM, chứng minh thư của chồng. Hay chồng đi làm để dành tiền lập quỹ riêng, người vợ tìm hiểu và bắt chồng phải công khai quỹ này. Trường hợp một trong hai người cố kiểm soát tiền để giữ cho con cái, gia đình, liệu có bị phạt?", nhà tâm lý nêu vấn đề.

Theo ông, trường hợp người làm ra tiền là trụ cột trong gia đình nhưng đối xử bất công với các thành viên khác, bóc lột người kia thì thật sự cần lên án. Hơn nữa, mức phạt 1 triệu đồng là quá thấp. "Phạt người có lỗi nhưng tiền ở đâu? Pháp luật quy định, tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, vì thế 1 triệu tiền phạt này cũng từ túi tiền gia đình mà ra, như vậy 'nạn nhân' là vợ hay chồng cũng bị thiệt hại lây", ông nói. 

Theo ông, nên chăng áp dụng hình thức phạt bằng lao động công ích như một số nước phương Tây. Chẳng hạn, một trẻ đến trường mắc lỗi, bị phạt 2 giờ chùi rửa toilet, khi kiểm tra nếu thực hiện tốt thì tha, làm qua loa sẽ bị phạt nặng hơn, như vậy là đánh vào sức lao động của trẻ. Tương tự, với lỗi của người kiểm soát quá đáng tài chính của vợ hay chồng, không nên phạt bằng tiền mà đánh vào lòng tự trọng của họ. Chẳng hạn, nếu chồng cậy làm ra tiền, kiểm soát tài chính, không cho vợ tiêu xài, bắt chỉ được ngày ăn 2 bữa cơm... có thể phải nghỉ làm, đi làm bồi bàn, phục vụ cho một cơ sở từ thiện, tổ chức công ích nào đó. 

Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, quy định phạt thực chất là một hình thức bảo vệ người yếu thế. Rõ ràng một người kiểm soát quá đáng tài chính, buộc người kia ở tình trạng lệ thuộc là một dạng bạo hành gia đình về kinh tế. Khi hành vi này được quy định trong luật sẽ hỗ trợ thực thi Luật chống bạo hành gia đình. Tuy nhiên, theo bà, để chứng minh được lỗi này cũng không dễ.

Theo bà, phạt một triệu đồng không đủ sức để người sai cảm nhận được hành động của mình làm tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực tới bạn đời. Do đó nên có biện pháp mang tính giáo dục, tuyên truyền khác để người sai, dù vợ hay chồng, cũng ý thức được lỗi của mình và tự nguyện có trách nhiệm với gia đình. Có thể cần sự tác động của cộng đồng về mặt tinh thần, chẳng hạn như kiểm điểm trước hội phụ nữ, tổ dân phố...

Theo bà Hà, tài chính vốn là một vấn đề khá nhạy cảm trong hôn nhân. Tốt nhất, nên có sự thỏa thuận giữa hai bên, với nguyên tắc cả hai phải góp tiền cho ngân sách của gia đình để duy trì sinh hoạt chung, nuôi dạy con cái... Thực tế, nếu người chồng có trách nhiệm với vợ con, tự giác gánh vác công việc, chi tiêu gia đình, thì không người vợ nào quản gắt gao tiền chồng. Phụ nữ thường lo các rủi ro khi đàn ông giữ tiền như tiêu xài hoang phí, bồ bịch, cờ bạc... nên luôn muốn quản tiền. Và đa số phụ nữ khi cầm tiền của chồng cũng đều chỉ để chăm lo cho gia đình.

Luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội) thì cho rằng, khác với phương Tây mỗi vợ chồng thường có khoản tiền riêng và tự do chi tiêu sau khi đã đóng góp một phần vào ngân sách chung, trong văn hóa phương Đông, tài sản của vợ chồng thường tập trung vào một mối để phát triển kinh tế. Thu nhập của người Việt Nam cũng không cao nên thường khi hai người tập trung kinh tế mới đủ để chi tiêu các khoản và lo cho con cái...

Thực tế chỉ có vợ chồng mới biết được thu nhập của họ thế nào, chi tiêu hay đóng góp cho gia đình ra sao. Vì thế, để biết ai kiểm soát và bắt phạt là khó khả thi.

"Nếu một người kiểm soát tài chính để người kia lệ thuộc thì việc xử phạt tiền có khắc phục được tình trạng đó? Chứng cứ nào chứng tỏ họ phạm lỗi? Làm sao phổ biến tuyên truyền để người chồng, người vợ ý thức được việc mình làm và tự chuyển biến", ông Vinh nói.

Vụ rót nước sôi vào tai vợ: Công an gọi người chồng tới làm việc
Vụ rót nước sôi vào tai vợ: Công an gọi người chồng tới làm việc
(Xã hội) - (Phunutoday) - Làm việc với Công an, ông Ro bước đầu khai do cãi nhau với vợ nên đã đánh vợ. Bị vợ dùng đũa và khúc gỗ đánh lại nên ông Ro tạt nước sôi vào vợ.
Vụ 2 lãnh đạo Yên Bái bị bắn: Nỗi đau mẹ già và vợ con phải gánh
Vụ 2 lãnh đạo Yên Bái bị bắn: Nỗi đau mẹ già và vợ con phải gánh
(Xã hội) - (Phunutoday) - "Bí thư Cường mồ côi cha từ nhỏ. Bí thư ra đi, vẫn còn mẹ già hơn 90 tuổi. Đây lại là nỗi đau lớn nhất mà người ở lại phải gánh chịu".
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn