Mồng tơi là loại rau ngọt mát được ưa chuộng vào mùa hè vì chúng có khả năng giải nhiệt tốt. Theo Đông y, rau mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, hóa tràng, lương huyết, giải độc, có công dụng chữa nhiều bệnh.
Rau mồng thơi còn có tác dụng trị táo bón, làm đẹp da, trị đau nhức xương khớp.
Để nhận được tác dụng tốt từ loại rau này, bạn cần phải sử dụng nó đúng cách.
Không ăn rau mồng tơi chưa chín kỹ
Lá và thân của rau mồng tơi cứng và nhớt. Do đó, nếu ăn rau mồng tơi chưa chín kỹ, bạn có thể gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu, có hại cho dạ dày.
Nấu chín rau mồng tơi sẽ giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và loại bỏ khả năng nhiễm ký sinh trùng trên rau.
Không ăn canh rau mồng tơi để qua đêm
Rau mồng tơi chứa một lượng nitrat lớn. Vì vậy, khi nấu chín và để qua đêm, rau mồng tơi sẽ bị nhiều vi khuẩn tấn công, nitrat có trong rau sẽ chuyển thành nitrit - một chất có thể gây ngộ độc, không tốt cho sức khỏe.
Không nên ăn quá nhiều rau mồng tơi
Rau mồng tơi tốt cho sức khỏe, giúp giải nhiệt, nhuận tràng nhưng không phải vì vậy mà ăn rau này càng nhiều càng tốt. Ăn quá nhiều rau mồng tơi cũng khiến cơ thể bị ảnh hưởng không tốt do loại rau này chứa hàm lượng axit oxalic cao. Mỗi tuần, bạn chỉ nên ăn rau mồng tơi khoảng 2 lần.
Những người không nên ăn rau mồng tơi
Người đang bị tiêu chảy nên tránh ăn rau mồng tơi do loại rau này có tác dụng nhuận tràng và có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị bệnh gút cũng nên hạn chế ăn loại rau này vì nó có thể khiến tình trạng đau nhức khớp trở nên trầm trọng hơn do làm tăng tích tụ axit uric trong cơ thể.
Rau mồng tơi chứa nhiều purin - một hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric, làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Do đó, người bị bệnh thận nên tránh ăn rau mồng tơi.
Khi bị đau dạ dày, bạn cũng nên hạn chế ăn rau mồng tơi vì loại rau này có thể làm tăng gánh nặng cho dạ dày, làm các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi càng gia tăng.