Sao Việt và những kỉ niệm ngày Tết khó quên

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Sao Việt từ khi chưa thành danh đến khi đã nổi tiếng cũng có những kỉ niệm về ngày Tết khó quên.

‘Thợ cắt tóc’ Đàm Vĩnh Hưng đông khách chiều cuối năm

Đàm Vĩnh Hưng có nhiều cái Tết đáng nhớ, vì thế anh yêu Tết nhất trong tất cả các ngày lễ hội. Từ hồi còn bé, anh luôn mong Tết đến thật nhanh để được mặc quần áo mới và được lì xì. Đêm 30, anh cùng lũ trẻ trong xóm chạy đi lượm pháo, có khi bị cháy quần cháy áo, thế nhưng vẫn không biết sợ. Ngày đó, nam ca sĩ sinh năm 1971 còn chuyên đi lượm pháo xịt, về tháo ra lấy thuốc nổ bên trong rồi lấy giấy tập cuộn tròn, dùng đất sét bịt phần dưới, phần trên mua một sợi dây tim gắn vào thành viên pháo tự chế để khoe với bạn bè. Cũng có khi anh dùng thuốc pháo rải thành tên mình hoặc tên người mình thích rồi châm lửa cho cháy và xịt khói mù mịt.

 

 đàm vĩnh hưng, kỉ niệm tết của sao việt

Ca sĩ ĐàmVĩnh Hưng.

Trôi theo thời gian, Tết mỗi năm mỗi khác nhưng cái Tết nào cũng để lại cho Đàm Vĩnh Hưng nhưng kỷ niệm sâu sắc. Tết năm 1990 là cái tết nhớ đời nhất vì Mr. Đàm rơi vào tình cảnh nghèo nhất, cô đơn và bị hắt hủi nhất, trong lòng nhiều nỗi lo sợ nhất. Khi làm thợ cắt tóc, Đàm Vĩnh Hưng lại chỉ chờ ngày 30 Tết, vì ai cũng ra tiệm sửa sang. “Ngày đó tôi làm quần quật từ 8h đến sát Giao thừa. Lúc đóng cửa đem tiền ra đếm thấy được rất nhiều vì ngày Tết tôi có quyền ‘chặt chém’ gấp đôi. Đạp xe về mà lòng vui phơi phới” - Đàm Vĩnh Hưng cười nhớ lại.

Khi trở thành "sao", vừa ham tiền, vừa muốn chứng tỏ mình, Mr. Đàm nhận lời ra Bắc hát giao thừa. Hát xong chạy về khách sạn nằm khóc vì nhớ nhà, thấy tủi thân vì ai cũng quây quần bên gia đình, riêng mình lủi thủi. Từ đó trở đi, không bao giờ anh rời Sài Gòn ngày tết.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Sốc với đề nghị "Cho con cưới em… Trịnh Kim Chi"

Nghệ sĩ (NS) Hồng Nga cho biết, Tết năm nào chị đi diễn cũng kẹt xe kinh khủng. Do đó, năm trước, chị quyết định di chuyển từ điểm này đến điểm khác bằng taxi, chạy bộ kiếm xe ôm khi gặp sự cố kẹt đường. Ngay mùng 1, chị gặp phải anh tài xế taxi kiên quyết không cho xuống xe, đòi đưa đến những điểm diễn kế tiếp. Anh tài xế còn nhiệt tình gửi taxi cho một người bạn trông, mượn xe máy của người này chở NS Hồng Nga cho thuận tiện.

hồng nga, kỉ niệm sao việt ngày tết

"Tôi nghĩ bụng thật là ngộ, không hiểu sao lại có một anh tài xế taxi tốt bụng đến thế? Vì vậy, sau buổi diễn, tôi mời anh ấy ăn khuya để cảm ơn. Khi vào bàn ăn, anh khiến tôi hoàn toàn bất ngờ với nỗi niềm: 'Con muốn được làm rể của cô, cho con được gọi cô là mẹ'. Tôi bất ngờ và nhận ra sự nhiệt tình có chút... tính toán của anh chàng này.

Tôi nói: 'Hai đứa con gái của cô đều lập gia đình rồi, cô có cháu ngoại lớn lắm'. Anh tài xế khăng khăng: 'Dạ, con yêu em Trịnh Kim Chi, nghe Chi gọi cô là mẹ, chắc cô sẽ làm mai cho con chứ?'. Tôi tá hỏa: 'Cháu ơi, Chi có gia đình luôn rồi, đã có con gái rất lớn, gia đình cô ấy rất hạnh phúc'. Anh tài xế méo mặt, buồn xo, còn tôi phải cố nén cười", nghệ sĩ Hồng Nga kể lại.

Tùng Dương hạnh phúc đón Tết cùng cha mẹ trên đất Nga

Tùng Dương có nhiều kỷ niệm về những ngày Tết của tuổi thơ. Gần 12 năm sống xa bố mẹ, dù được đủ đầy tình yêu thương của ông, của bác, cậu bé không khỏi chạnh buồn. Bố mẹ ở Nga vài năm mới về phép một lần và thường về vào dịp Tết. Có những năm bố mẹ không về, khi mọi người chơi xuân vui vẻ, Tùng Dương lại chui vào một góc, lôi ảnh bố mẹ chụp cùng mình ra ngắm và hít hà mùi hương còn vương của mẹ trong chiếc khăn mẹ để ở nhà.

tùng dương, kỉ niệm  sao việt ngày tết

Tùng Dương (thứ hai từ trái sang), ngồi cạnh Mỹ Linh (trái), đang nhận lì xì trong chuyến biểu diễn tại Nga.

Năm 1997, Dương được mời đi Nga biểu diễn vào đúng dịp Tết. Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời nam ca sĩ Con cò. Anh nhớ như in cảm giác đứng trên sân khấu của nhà hát lớn Moscow và hát Em ơi Hà Nội phố, nhìn những cặp mắt ngạc nhiên của kiều bào khi thấy một cậu bé 13 tuổi hát ca khúc trữ tình về Hà Nội sâu lắng và xúc động. Chuyến lưu diễn đó, trong đoàn còn có các đàn anh đàn chị nổi tiếng như  Mỹ Linh, Đăng Dương... Tùng Dương và Mỹ Linh đã song ca Thì thầm mùa Xuân trong sự tán thưởng của khán giả.

Anh Vũ: Nhớ bao lì xì... thơ

Nghệ sĩ Anh Vũ nhớ hoài chuyện mình nhận được bao lì xì toàn thơ. Anh kể: "Tết năm trước, tôi diễn một suất từ thiện ở khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM, mang niềm vui đến những công nhân không về quê ăn Tết được. Vừa diễn xong, một anh công nhân chạy lên sân khấu lì xì cho tôi. Sau đó, nhiều khán giả nữ đang làm việc ở KCX cũng leo lên sân khấu lì xì cho tôi".

"Ban đầu tôi ngần ngại vì nghĩ công nhân xa nhà rất khó khăn nhưng các anh chị nhất định chờ tôi nhận mới chịu quay về chỗ ngồi. Lòng tôi xúc động vô cùng nghĩ, lớn rồi còn được tiền mừng tuổi. Trong khi tôi hớn hở, anh Hồng Tơ ở cánh gà nhìn ra cười không tỏ vẻ ganh tỵ gì cả, còn bảo: 'Em mở ra xem sẽ rõ'.

Tôi nép vào cánh gà hồi hộp mở bao đỏ ra xem. Tất cả không phải tiền mà là những câu thơ được viết trên tờ giấy trắng rất duyên dáng: 'Tết này anh cưới vợ đi/ Tụi em xin má về nhà cùng anh/ Cưới đâu xa lắc, xa lơ/ Làm rể công nghiệp không màng ốm đau".

Anh Hồng Tơ có kinh nghiệm, mở bóp ra cho tôi xem 10 bài thơ mà năm ngoái cho tới giờ anh vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Mỗi khi về hát ở khu chế xuất Linh Trung là nghệ sĩ chúng tôi nhớ những phong bao lì xì… toàn thơ. Đó là một kỷ niệm khó quên trên đường du xuân của nghệ sĩ hài", Anh Vũ xúc động.

Hồng Tơ: Kỷ niệm "nhớ đời" với chị nhắc tuồng!

Là một NS hài xuất thân từ sân khấu cải lương, Hồng Tơ có thâm niên theo gánh hát đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhớ lại đoạn đường đã qua, anh cho biết có rất nhiều chuyện vui. "Nhớ nhất có lẽ là tình huống dở khóc, dở cười gắn với một chị chuyên nghề nhắc tuồng cho gánh hát Hoa Lan Trắng ở Bến Tre", Hồng Tơ cho biết.

Anh kể: "Thời đó, tôi mới vô gánh hát Hoa Lan Trắng, được giao đóng vai một tên tướng giặc. Ông bầu dặn cứ nghe chị Năm nhắc tuồng thế nào, hát y như vậy. Lần đầu trong đời ra sân khấu mà không biết gì về nhân vật của mình, tôi chỉ biết vai đó thách đấu với kép chánh là nghệ sĩ Phương Bình, bị anh kép này đâm cho một nhát kiếm, chết.
Sao Việt kể chuyện bi hài.

hồng tơ,kỉ niệm sao việt ngày tết

Tôi hiểu lơ mơ như vậy, lòng vui vì dù sao cũng hát một câu vọng cổ rất mùi rồi mới chết. Thế là tôi diễn hăng say, ca vọng cổ rất mùi, khán giả tán thưởng. Anh Phương Bình chĩa mũi kiếm về phía tôi và xuống tay. Đang chuẩn bị 'chết', tôi bỗng nghe chị Năm nhắc tuồng nhắc thêm vài câu mà vì tiếng nhạc ồn ào không nghe rõ.

Nhìn vào cánh gà, thấy khẩu hình của chị Năm, tôi đoán trong đầu tên tướng giặc này còn có một bà ngoại ở quê nhà, giờ bị giết sẽ thương tiếc bà ngoại nên phải hét to trước khi chết 'ngoại, ngoại'. Thế là tôi hét lên, cả gánh hát nhìn nhau, cô Út Bạch Lan lấy quạt che miệng cười, anh Phương Bình cười đến rớt cây kiếm, còn cô Thanh Thanh Hoa ra hiệu cho hậu đài kéo màn lại xin lỗi khán giả.

Tôi đang nằm trên sân khấu, tự dưng thấy tắt đèn, ông bầu kéo dậy la lớn: 'Ai kêu cậu hét to ngoại, ngoại? Tuồng này làm gì có bà ngoại?'. Tôi nhìn về phía chị Năm đang thất thần khi ông bầu kéo ra để phân trần cho rõ trắng đen. Chị xin lỗi: 'Tôi nhắc anh Hồng Tơ lúc bị đâm chết phải đau quằn quại, nào ngờ anh ấy nghe không rõ nên hét lên chữ ngoại'. Nghe chị ấy phân trần, tôi vội nói rằng chỉ nhờ chị nhắc tuồng, không cần phải chỉ đạo "diễn xuất" vì ai bị đâm chết cũng đau đớn, lăn lộn...

Chị Năm nhắc tuồng ngày xưa chắc Xuân này đã ngoài 70 tuổi. Dẫu sao thì nhờ chị ấy, tôi cũng có một kỷ niệm vui trong đời nghệ sĩ của mình".

Nathan Lee nao lòng nhớ Tết Hà Nội xưa

Chàng ca sĩ sinh năm 1983 cho biết, Tết bây giờ khác xa cái Tết trong ký ức của anh khi còn nhỏ. “Nhớ nhất là tiếng pháo đêm Giao thừa, nhà nhà đì đùng tiếng pháo nổ, đặc biệt là mùi pháo sẽ ám ảnh trong ký ức tôi suốt đời. Tôi không bao giờ quên cảm giác sáng mồng 1 ra đường, phố xá vắng tênh, khói hương lâng lâng, trời lạnh căm căm và khắp nơi trên những bậc thềm, trên hè đường là xác pháo đỏ tươi… Bao nhiêu sự háo hức cứ vơi dần đi theo thời gian” - Nathan Lee ngậm ngùi.

nathan lee, kỉ niệm sao việt ngày tết

Nathan Lee cô đơn trong ngày Tết.

Theo giọng ca Xinh, cái lạnh ngoài Hà Nội cắt da cắt thịt nhưng đó mới là Tết, còn ở Sài Gòn, Tết chỉ là những ngày nghỉ, vui, mọi người kéo nhau ra đường đi chơi hay đi du lịch… Nathan Lee luôn nhớ Hà Nội vì đó là nơi anh sinh ra và lớn lên, bao nhiêu phong vị Tết của tuổi thơ như mùi bánh chưng, tiếng pháo nổ, những cơn mưa xuân hây hây giá lạnh thơm mùi nhang luôn in hằn trong tâm trí. Bốn năm trước, Nathan Lee ra Hà Nội vào ngày mùng 2 Tết, thấy không khí Tết cũng không còn nhiều nhưng cái rét căm căm vẫn cho anh cảm giác hơn miền Nam nắng ấm.

Tết trong anh là màu sắc, mùi vị nhưng không trọn vẹn như những người khác đủ đầy gia đình. “Tôi chẳng bao giờ tự thưởng cho mình điều gì khi Tết đến. Tôi không thích Tết, nhất là từ khi sống và học ở nước ngoài hay khi về Sài Gòn. Tết là lúc tôi cô đơn nhất, là lúc tôi chẳng làm được gì cả. Thường thì những lúc cô đơn tôi bù đắp khoảng trống đó bằng công việc nhưng Tết thì ai cũng được nghỉ” - Nathan Lee tâm sự.

Hai năm trở lại đây anh bắt đầu đi chùa ngày Tết để tìm sự bình yên, thanh thản. “Tôi nghĩ cảm giác được tin vào điều gì đó để sống tốt hơn là một điều rất đẹp của con người. Ngày xưa tôi chỉ tin vào tình yêu, nhưng cuộc sống ngày càng phức tạp hơn” - Nathan Lee trải lòng.

Hải Anh cô đơn đón tết ở Nga

Nếu như Tết của Tùng Dương ở Nga là cái Tết sum vầy, trọn vẹn yêu thương thì Hải Anh từng rơi nước mắt trong ngày cuối năm lạnh lẽo ở xứ người. Đầu những năm 1990, chàng diễn viên đầu trọc được cử đi học tại Liên bang Nga. “Cuộc sống với bao điều thú vị mới làm tôi dường như quên mất Hà Nội của mình, nơi cha mẹ ngóng tin con từng giờ. Đôi khi tôi cũng muốn sống chậm lại để nhấm nháp một chút hoài niệm về Hà Nội thân yêu nhưng cuộc sống sôi nổi, tuổi trẻ năng động tại nước Nga cuốn tôi đi nhanh” - Hải Anh nhớ lại.

hải anh, kỉ niệm sao việt ngày tết

Hải Anh thời sinh viên (phải) và Hải Anh hiện tại khi sang Nga thăm lại trường xưa.

Cuộc sống vẫn diễn ra ồn ào cho đến những ngày cận Tết. Càng đến đêm Giao thừa anh lại càng nôn nao và nhớ nhà. Tết năm đó là cái Tết đầu tiên Hải Anh xa nhà. Cho dù xung quanh bạn bè chuẩn bị Tết đầy đủ như ở Việt Nam, cũng bánh chưng, mứt kẹo… nhưng lại thiếu một cảm giác được gần gũi người thân. Đúng vào phút Giao thừa, khi bạn bè hò reo bật champagne chúc tụng vui vẻ thì Hải Anh trốn vào một phòng khác. “Ngồi cô đơn trên bậu cửa sổ, áp mặt vào cửa kính lạnh giá, nhìn tuyết rơi trắng sân và buồn lắm. Giây phút này, tôi cảm thấy mình nhớ nhà khủng khiếp. Bao kỷ niệm ùa về. Thời đó, hoàn toàn không dễ để gọi điện thoại về nhà. Tôi thấy hối hận vì năm qua, có những lúc vui quá,  tôi đã lãng quên mất Hà Nội, lãng quên mất gia đình mình. Chỉ muốn bỏ lại tất cả để về sum họp với gia đình” - Hải Anh hồi tưởng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn