Liên quan đến sự việc bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) đã bị nhầm con sau khi sinh và nuôi nhầm chị Tạ Thị Thu Trang trong suốt 42 năm, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Hà Nội) cho biết, nếu như tìm được người nghi vấn và xét nghiệm thì hoàn toàn tìm được con của bà Hạnh. Việc xét nghiệm ADN để xác định là mẹ con rất dễ dàng, rất đơn giản và chỉ cần sau 3 giờ là có kết quả chính xác 100%.
Năm 2015, Trung tâm này cũng đã làm xét nghiệm cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) và chị Tạ Thị Thu Trang. Do đó, nếu tìm được người nghi vấn, gia đình chỉ cần lấy một chút máu bằng hạt gạo hoặc có thể nhổ 3 sợi tóc có gốc của người nghi vấn rồi gửi về Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền.
“Nếu tìm được người nghi vấn, Trung tâm sẽ xét nghiệm ADN miễn phí và sau 3 giờ sẽ có kết quả chính xác 100%”, bà Nga khẳng định.
Bà Nga cho biết thêm, Trung tâm đã gặp khoảng 10 trường hợp nhầm con ở bệnh viện trong 20 năm làm nghề. Chuyện nhầm lẫn là sơ suất không đáng có và ở bất cứ cơ quan nào cũng có sơ suất nhất định.
Chị Thu Trang - bà Mai Hạnh - chị Thu Vân |
Cũng nói về câu chuyện nuôi nhầm con này, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho rằng, câu chuyện trao nhầm con tại nhà hộ sinh là một sự cố vô cùng hy hữu. Dù thời điểm đó, nguy cơ xảy ra nhầm lẫn ít hơn bởi sinh nở ít. Ngay tại BV Phụ sản Trung ương hơn chục năm trước, lượng sinh cũng ít, ngày chỉ 10 - 15 ca chứ không phải hàng trăm ca như hiện nay.
"Chúng ta không biện minh cho sự nhầm lẫn, nhưng ở thời điểm đó, dù các nữ hộ sinh đỡ đẻ rất giỏi nhưng công nghệ thô sơ, điện đóm không có, người ta đánh dấu số trẻ bằng mực, bằng nitorat bạc và vì bất cẩn nào đó đã xảy ra tình trạng nhầm lẫn này. Ngay ở Mỹ cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự”, TS Quyết nói.
Ông chia sẻ thêm, tại BV Phụ sản Trung ương, quy trình này được thực hiện rất chặt chẽ. Sau khi sinh, mẹ - con sẽ có “cái ôm đầu tiên”, bác sĩ trao con cho sản phụ nhận con (với sản phụ mổ đẻ cũng đã gây tê tủy sống, mẹ hoàn toàn tỉnh táo), rồi để mẹ ôm con. Trong lúc này, y tá soạn hai vòng đeo tay với số giống hệt nhau, đưa cho mẹ nhìn kiểm chứng rồi bấm vào cổ tay mẹ, cổ tay (hoặc cổ chân) con.
“Trước đây, khi chưa có thiết bị, bệnh viện dùng số không thể xóa nhoà, không bị mờ khi dính nước và buộc hoặc đeo vào cổ trẻ bằng dây. Nhưng 4 năm nay, viện dùng dây plastic mềm, dây có số hồng là con gái, số xanh là con trai, khi đã bấm vào tay thì không thể dứt đứt, không thể tháo ra được mà chỉ có thể dùng kéo để cắt”, TS Quyết cho biết.
Theo TS Quyết, tại BV có đến 20 - 25 nghìn ca đẻ mỗi năm, nếu không thực hiện triệt để iệc ghi số thì sẽ rất nguy cơ.
Về việc tìm lại gia đình cho trường hợp hy hữu này, TS Quyết cho rằng khi lọc được toàn bộ người có ngày sinh cùng ngày với chị Trang, rồi sàng lọc, thu hẹp đối tượng theo nơi sinh... sẽ hoàn toàn có thể tìm ra mẹ - con bằng xét nghiệm ADN.
Vụ trao nhầm con 42 năm trước:Linh cảm của những người trong cuộc (Xã hội) - (Phunutoday) - Người mẹ bị nhầm con và đứa con gái được nhận nhầm suốt 42 năm ấy đều có những linh cảm mang nhiều hy vọng về một ngày đoàn tụ... |