Sự thật phía sau tin đồn "thần đa báo oán" ở Hải Dương

16:00, Thứ bảy 11/01/2014

( PHUNUTODAY ) - Chứng kiến tận mắt những nỗi lo sợ, hoang mang trong dân chúng về những lời đồn thổi khiến người nghe phải dựng tóc gáy, phóng viên báo Đời sống và pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu thực hư.

Lời đồn đến cả người “cứng” tim nhất cũng sợ

Men theo con đường làng nhỏ ngoằn nghèo, chúng tôi có mặt tại gia đình nhà bà bà Đỗ Thị Nhu (82 tuổi, người thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), là một trong số những “bô lão” của làng. Khi chúng tôi hỏi chuyện về cây đa chợ Đọ, bà Nhu lật đật hỏi dồn: “Anh là ai? Lại hỏi thăm đến để làm lễ cúng à? Hay là nhà anh có người bị “thần đa” báo oán vì đã trót làm hại đến “ngài”".

Sau khi biết tôi là Phóng viên gặp bà để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện và muốn nghe bà kể về nguồn gốc của cây đa, bà cụ vào trong nhà lấy vội cái áo khoác rồi cùng tôi ra khu chợ Đọ.

Bà Đỗ Thị Nhu bày tỏ sự băn khoăn với phóng viên.

Theo lời cụ, khu chợ này có từ lâu rồi, mà cây đa ở đây thiêng lắm. Mới đây, cây đa bị đốn hạ để giải tỏa hành lang nhưng chỉ một thời gian sau, người thầy cúng đứng ra làm lễ hôm đó bị tai nạn chết, người lấy cành cây về làm củi cũng bị chết không rõ nguyên nhân, còn người vận chuyển thì cũng bị mắc bệnh tâm thần, dù trời mùa đông giá rét vẫn chỉ mặc quần đùi ra gốc đa ngồi lẩm bẩm như ma nói khiến người dân trong làng hoang mang.

Thắp nén hương cắm vào bát hương nằm trơ trọi bên cạnh gốc đa chỉ còn lại rễ, cụ bảo: “Cụ cũng không dám khẳng định chắc chắn chuyện ma, thánh thần, nhưng nếu là có thật thì chắc đã ám vào mấy ông ra quyết định cho đốn hạ cây đa đầu tiên…”.

“Cây đa thiêng này nằm trên khoảng đất vốn dĩ thuộc phần đất nền của chùa Nội khi xưa, sau đó thực dân Pháp chiếm đóng và xây lô cốt, rồi về sau được xây khu chợ Đọ. Khu chợ Đọ tiếng là chợ xã, nhưng thực tế từ khi xưa đã là nơi giao thương buôn bán của bà con trong vùng từ nhiều xã cả trong và ngoài huyện. Nhờ có cây đa mà bà con ở đây ai cũng gặp may mắn. Thấy khu chợ ngày càng phát triển, bà con buôn bán được nên nhiều người gọi nhau góp tiền xây một ngôi miếu trần để cúng bái. Tôi cũng không rõ lắm về mấy chuyện tâm linh, nhưng từ sau khi chứng kiến thấy những việc xảy ra với ông Thiền, anh Sáng và nghe đâu cả với thầy cúng thì ai cũng hoang mang lo sợ, nhất là những người đã trót nhặt cành cây hay vôi vữa về đun nấu đều phải mang đi trả lại…”, bà Nhu băn khoăn.

Chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên

Để làm rõ lời đồn thổi về câu chuyện “thần đa” báo oán ở vùng đất Đỗ Xá, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Vĩnh (chủ tịch UBND xã Ứng Hòe) và được biết: “Chợ Đọ là khu chợ đã có lịch sử từ lâu đời rồi, trước đây có cái giếng ở gần chỗ cây đa, về sau địa phương chúng tôi cho lấp giếng và mở rộng khu chợ cũ. Sau đó có người trồng cây đa để làm bóng mát.

"Miếu trần" dưới chân gốc đa.

Thấy khu chợ làm ăn buôn bán tốt, có “dấu thịnh” nên bà con đi chợ thắp hương dưới chân cây đa. Đến khoảng năm 2010, bà con tiểu thương và người dân ở đây đã góp tiền xây cái miếu trần, cũng chỉ có cái bệ đỡ và bát hương, về sau cũng có nhiều người cúng bái. Sau này khi có quyết định phải giải tỏa hành lang giao thông nên nhiều người chặt cây làm củi đun, nấu. Trường hợp như anh Chiền trước làm chủ tịch hội cựu chiến binh của xã, nhưng sau không trúng bầu cử nên đã nghỉ, anh ấy chết là vì có tiền sử bị bệnh cao huyết áp, khi đang nấu ăn sáng thì bị đột quỵ, gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp do ông này đã bị vỡ mạch máu dẫn đến tử vong.

“Trường hợp như anh Sáng thì tôi nghĩ gia đình nên đưa đi bệnh viện khám xem có bị bệnh thần kinh hay không? Vì tôi cũng thấy anh ấy cũng có nhiều biểu hiện lạ, đấy là những người trong địa bàn, còn lại người khác thì tôi cũng không rõ. Nhưng nếu xét lại ở góc độ khoa học hơn, thì tất cả cũng chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi…”, ông Vĩnh khẳng định.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy