Tại sao cần phải nhổ răng khôn?

( PHUNUTODAY ) - Khi mọc răng khôn luôn kèm theo những triệu chứng như ốm, sốt, cơ thể trở nên mệt mỏi, đau nhức. Vậy ngoài những lý do trên thì tại sao chúng ta cần phải nhổ răng khôn?

Nhổ răng khôn có nên hay không?

Răng khôn là răng cối lớn thứ ba, mọc trong độ tuổi từ 17 và 25. Mỗi người thường có 4 răng khôn ở 4 phần hàm. Sở dĩ gọi là răng khôn vì răng mọc trong độ tuổi đã trưởng thành, con người đã khôn lớn và biết nhận thức.

Răng khôn thường mọc trong độ tuổi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển, xương trở nên cứng đặc hơn. Sự tăng trưởng và phát triển của hàm dưới trong giai đoạn mọc răng khôn theo hướng xuống dưới và ra trước. Mặt khác, chế độ ăn mềm của người hiện đại làm giảm sự phát triển của xương hàm. Những yếu tố này góp phần làm mất cân xứng giữa răng và kích thước xương hàm, dẫn đến tình trạng hay mọc ngầm, mọc kẹt của răng khôn.

Biến chứng bởi răng khôn mọc kẹt

Răng khôn kẹt trong xương hàm hoặc nướu răng, quá trình mọc răng sẽ gây áp lực lên vùng xương và nướu, kết hợp với việc thức ăn đọng bên dưới nướu phủ trên răng khôn không thể làm sạch được. Điều này dẫn đến phản ứng viêm, đau và nhiễm trùng.

2.tai-sao-can-phai-nho-rang-khon-phunutoday.vn
 

Răng khôn mọc ở góc độ sai, sẽ tạo khe hẹp bất thường với răng bên cạnh. Điều này gây nhồi nhét thức ăn và lắng đọng vi khuẩn. Vị trí phía sau của răng khôn trong miệng khó có thể làm sạch bằng bàn chải và chỉ nha khoa dẫn đến sâu răng bên cạnh và gây bệnh nha chu răng bên cạnh.

Áp lực mọc răng khôn có thể gây ra tiêu ngót chân răng của răng bên cạnh. Răng khôn có thể thoái hóa thành u, nang bệnh lý trong xương hàm, làm yếu xương hàm.

Thời điểm nào nhổ răng khôn là tốt nhất?

Thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất là từ 18 đến 25 tuổi, khi chân răng hình thành được 2/3. Trên 35 tuổi, trường hợp phải phẫu thuật để nhổ răng khôn sẽ gặp nhiều khó khăn do xương cứng và đặc hơn. Mặt khác một số yếu tố toàn thân và tại chỗ cũng không cho phép can thiệp nhổ răng khôn. Quá trình lành thương, hậu phẫu cũng kéo dài và không thuận lợi.

Những lý do bạn nên nhổ răng khôn ngay lập tức

Răng khôn hủy hoại xương và răng xung quanh

Do không còn đủ “diện tích” để mọc nên răng khôn thường có khuynh hướng mọc đâm sang răng bên cạnh khiến những chiếc răng khác bị lung lay, sâu răng và có thể bị tiêu hủy hoặc rụng răng. Trường hợp này thường khiến bạn bị đau đớn dữ dội ở vùng răng trong cùng, gây ra sự khó chịu do bản thân răng khôn mọc khi nướu và xương hàm đã cứng cáp đồng thời mọc sai thế gây ảnh hưởng đến các răng bên cạnh làm cơn đau răng luôn ở mức độ khủng khiếp. Nếu không phát hiện sớm các triệu chứng và chữa trị có thể gây đến nhiễm trùng lây lan đến các khu vực khác ngoài khoang miệng như mũi, tai… gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Răng chen chúc, xô đẩy nhau

Một vài trường hợp, răng khôn sẽ mọc kẹt đẩy các răng khác về phía trước. Một răng khôn có thể xô đẩy 2 răng cối lớn, 2 răng cối nhỏ và 1 răng nanh cuối cùng các răng cửa sẽ chen chúc nhau khiến hủy hoại cấu trúc của hàm răng, răng không còn mọc đều và đẹp như vốn có.

Răng khôn dẫn đến hôi miệng

Khi răng khôn mọc lệch sẽ khiến thức ăn dễ dàng bị giữ lại ở các rãnh răng trong khi đó vùng trong cùng của khoang miệng, nơi “ẩn thân” của răng khôn lại khó vệ sinh sạch sẽ hằng ngày do đó dễ dàng trở thành địa điểm thuận lợi để thức ăn và vi khuẩn tích tụ lâu ngày thành sâu răng. Tại Việt Nam, do ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng và kiến thức về răng khôn của người dân vẫn còn kém nên dễ dàng mắc các bệnh hôi miệng nếu lâu không điều trị sẽ gây đau nhức và sâu răng.

Gây yếu quai hàm

Răng khôn thường hay mọc sai tư thế nên nó thường chiếm một chỗ lớn trong quai hàm mặc dù quai hàm người bình thường không đủ chỗ cho răng khôn mọc. Chính vì thế vùng xung quanh răng khôn có nguy cơ tạo thành các bệnh lý như nang răng, viêm mô tế bào, tiêu xương… làm giảm độ cứng chắc của xương và hàm răng đồng thời ảnh hưởng đến khả năng nhai của hàm.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link