Ngày của Cha, ngày lễ truyền thống của nhiều nước tôn vinh những người cha, đã đi qua. Tôi không thể nói gì về cha vì như hầu hết những người Việt Nam được giáo dục theo kiểu “ngày xưa”.
Bố tôi không thích những lời có cánh và rất ngượng ngùng khi nhận hoa. Còn chúng tôi giống bố, ngại ngần khi bày tỏ cảm xúc của mình với người thân.
Nhưng đêm xuống, đọc rất nhiều chia sẻ về cha của bè bạn, trên các trang mạng xã hội, tôi chợt nhận ra, cái danh từ "Cha" thiêng liêng ấy còn là tính từ - động từ khi chúng ta nhìn nhận từ một góc độ khác: Chúng ta đã làm cha - làm mẹ như thế nào?
Dù đã rất cố gắng nhưng tôi nhận ra con trai tôi vẫn cần một người cha thật sự. |
Trong một thời gian rất dài, tôi đã cố gắng làm cha của con mình, dù tôi là một người mẹ hình như theo đánh giá của những người xung quanh là không tồi.
Con trai tôi được đưa ra biển lần đầu lúc 4 tháng rưỡi. Trời âm u và sóng lớn, nhưng tôi vẫn bế nó đi dọc bãi cát và cố tình để sóng đánh tung những bọt sóng mặn chát vào đôi chân trần ló ra từ cái quần vừa cộc quá nhanh của nó. Tôi muốn nó dạn nước sớm, vì tôi không biết bơi.
Hai tuổi, nó bắt đầu theo mẹ trong những chuyến công tác ngắn, thường thì 2-3 ngày. Ít khi có xe cơ quan vì lúc nào xe cũng được phục vụ chuyến đi xa nào đó quan trọng hơn. Hai mẹ con đi nhờ xe đồng nghiệp, xe đò, hoặc máy bay. Chắc là chúng tôi giống kangaroo lắm.
Bốn tuổi, tôi đăng ký cho nó học võ, nó chọn karate, nhưng nhanh chóng bỏ cuộc vì chán. Chẳng sao, quan trọng là đã thử và biết mình không thích.
Năm tuổi, nó bắt đầu học bơi. Tôi không biết bơi và tôi rất xấu hổ khi phải bắt đầu ở lứa tuổi chẳng còn gì để mất ấy, chỉ để tập cùng con, và để nó yên tâm về mình.
Sáu tuổi nó tập đi xe đạp. Tôi lười vận động nhưng rồi cũng hiểu, muốn nó chăm đạp thì mẹ phải chăm trước. Hai mẹ con tôi cố gắng thắng cơn lười để mỗi tuần đạp xe 2 lần từ nhà ra Bách Thảo, có 2 km thôi nhưng là một kỳ tích mỗi sáng mùa đông.
Rồi nó tập bóng rổ, rồi nó đánh nhau, nó đi đá bóng và bị bọn trẻ ngoài phố hè nhau xô ngã vì quá hiền. Nó đếm đúng 3 lần bị bắt nạt, nuốt cục giận xuống. Đến lần thứ tư thì vùng lên đấm cho thằng đầu gấu lớn nhất một quả cực mạnh vào mặt. "Mẹ tao bảo không được đánh ai trước, không đánh vào chỗ hiểm và không dùng vũ khí. Tao đấm mày vì mày đánh tao 3 lần rồi".
Nó không bị bắt nạt nữa, nó im lặng không nói gì với mẹ. Tôi chỉ biết sau gần một năm, khi anh họ nó đến chơi. Hai thằng đóng cửa nói chuyện đàn ông.
Tôi đã đi cùng nó đến hải đăng Cực Bắc, đến chân dãy Hoàng Liên, đến Cà Mau, đã bay qua Thái Bình Dương. Xe đò, tàu hỏa, máy bay, đi bộ, trèo đèo, lội suối đủ cả. Đôi khi vào những sáng cuối tuần hiếm hoi, chiến thắng được cơn buồn ngủ mãnh liệt mà vùng dậy cùng nó đạp xe ì ạch quanh hồ Tây thơ mộng, tôi đã chủ quan nghĩ mình là một người mẹ có thể làm cha được.
Bố tôi, một người lính pháo binh không có con trai, đã dạy tôi gấp chăn vuông 8 góc, dạy tôi yêu môn hình học, dạy tôi rang cơm với đồ ăn cũ tuyệt ngon, dạy tôi thích chuyện chưởng... Và hình như chỉ thế thôi. Thời ông, kỹ năng sống là một khái niệm xa xỉ và ông thậm chí đến bây giờ còn không biết có nó, làm sao nói đến chuyện dạy cho cô con gái vụng về của mình.
Tôi cứ yên chí là con trai tôi cảm thấy gần như đầy đủ hình ảnh người cha trong sự thô vụng và khắc nghiệt của mẹ nó. Cho đến khi những mũi kim cứ vô tình chích vào tim dưới hình thức những câu chuyện tầm phào của nó.
- Ba cậu tên là D.A à?
- Cậu không được nói thế, phải gọi là "thiên thần ba D.A"
- Mẹ ơi, trông thế thôi chứ thực ra tên lửa Nga vừa đẹp vừa xịn hơn tên lửa Mỹ đấy.
-Sao M biết?
-Ba bảo thế, ba cái gì cũng biết, ba nói là phải đúng.
Một sáng mùa hè cuối năm học cấp một, nó phải đi thi lấy chứng chỉ bơi dành cho học sinh tiểu học ở bể bơi khu chế xuất gần trường. Chuyện này với nó quá đơn giản.
Tôi chở nó đến cửa khu thể thao lúc 7h sáng, nhìn các phụ huynh khác chờ con ngoài sân, trẻ con hớn hở đi vào, 15 phút sau ào ra tóc tai ướt rượt: Xong rồi ạ! Tôi đinh ninh con mình cũng thế.
7h30 nó ra, mặt mũi nhăn nhó, quần áo đầu tóc khô cong: "Con không vào đâu mẹ ạ, phòng thay đồ ở đây kiểu gì ấy"; "Con đừng đòi hỏi vô lý thế, đây không phải bể bơi khách sạn. Bơi là công việc đấy, vào thay đồ và kiểm tra nhanh lên không nắng".
30 phút sau nó lại quay ra, rất lừng khừng và thiểu não: "Con không thể thay đồ ở đây được, con không quen cởi quần áo trước mặt người lạ". "Mẹ không cần con quen ai cả, thay đồ nhanh và kiểm tra nhanh lên".
Nó lại vào, lần này khòm hẳn lưng xuống, bước chân nặng trịch, lúc nó quay ra đã 9h, nắng gay gắt, quần áo tóc tai vẫn nguyên si. "Phòng thay đồ đông lắm mẹ ạ, có cả người lớn nữa, con không vào đâu". Nó khóc tức tưởi: "Mẹ cứ bảo con phải giữ ý với người lạ, bây giờ có bao nhiêu người lạ không mặc quần áo, sao con dám vào nếu không có mẹ?".
Và đến lượt tôi bật khóc. Nó thấy mẹ khóc sợ quá im bặt. Hai mẹ con cứ đứng giữa sân nắng, nó cuống quít xin lỗi, còn mẹ nó nức nở như bị đòn oan.
Vậy đấy, bất chấp mọi cố gắng “làm cha” của một người mẹ “dương nữ”, con tôi vẫn cần một người cha thật sự. Dẫu cho đôi khi chỉ để giải quyết một sự cố cực kỳ nhỏ: dẫn nó vào phòng thay đồ nam ở một bể bơi công cộng quá đông người.