Tết Thanh minh 2024 là ngày nào âm lịch, dương lịch, rơi vào thứ mấy?

20:53, Thứ hai 11/03/2024

( PHUNUTODAY ) - Tết Thanh minh là một dịp lễ truyền thống của người Việt. Vào dịp này, các gia đình thường tổ chức hoạt động tảo mộ để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Tết Thanh minh 2024 là ngày nào âm lịch, dương lịch, rơi vào thứ mấy?

Đối với người Việt, Tết Thanh minh là một dịp lễ quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần. Ý nghĩa của dịp lễ này là lễ hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bày tỏ sự thành kính, tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Vào dịp này, các thành viên trong gia đình, dù ở xa cũng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để đoàn tụ, trở về thăm quê nhà, cùng nhau tổ chức hoạt động tảo mộ tổ tiên.

Theo quan niệm ở nhiều nước phương Đông, tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí của một năm. Đây là tiết khí thứ 5 trong năm, bắt đầu sau khi tiết Xuân Phân kết thúc. Tiết Thanh minh kéo dài trong khoảng 15-16 ngày và thường bắt đầu vào ngày 4/4 hoặc 5/4 dương lịch và thường kết thúc vào ngày 20 hoặc 21/4 dương lịch hàng năm. Kiểu hình thái thời tiết điển hình trong tiết Thanh minh là mát mẻ, quang đãng, dễ chịu. Đây chính là thời điểm cây cỏ bắt đầu đâm chồi nảy lộc, bước vào thời kỳ sinh trưởng mạnh mẽ.

Tiết Thanh minh năm 2024 sẽ bắt đầu vào ngày 4/4 dương lịch. Ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh thường được coi là Tết Thanh minh. Do đó, Tết Thanh minh 2024 sẽ chính là ngày 4/4 dương lịch (tức ngày 26/2 âm lịch năm Giáp Thìn).

tet-thanh-minh

Tục tảo mộ trong dịp Tết Thanh minh của người Việt

Trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, nhắc đến Tết Thanh minh người ta sẽ nhớ đến các hoạt động uống nước nhớ nguồn, thăm mộ tổ tiên. Dù đi đâu, vào dịp này, mọi người cũng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để trở về với gia đình, cùng nhau đi tảo mộ tổ tiên, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum vầy.

Theo thông lệ, cứ sau Rằm tháng Giêng, các gia đình có thể lo việc đắp mộ cho người đã khuất. Trước Tết Thanh minh, các gia đình sẽ chuẩn bị một số đồ lễ như bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy tiền, vàng mã, bánh trái, đồ uống... để làm lễ dâng cúng tổ tiên. Ngày nay, tùy theo tập quán địa phương, điều kiện của gia đình mà gia chủ có thể lựa chọn đồ cúng cho phù hợp.

Vào ngày Thanh minh, các thành viên trong gia đình sẽ mang một số dụng cụ như cuốc, xẻng để đắp lại mộ, nhổ cỏ dại và cây mọc hoang để tránh rắn, chuột đào hang, làm tổ ở khu mộ.

Gia chủ sẽ đặt đồ lễ, dâng hương lên cho tổ tiên. Ngoài thắp hương tại phần mộ của gia đình mình, mọi người có thể thắp nén hương cho các phần mộ xung quanh.

Sau khi hoàn thành phần lễ tảo mộ, gia chủ có thể xin hạ lễ, hóa vàng và trở về nhà, làm lễ tại bàn thờ gia tiên.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền