Như chúng tôi đã đưa tin, vào khoảng thời gian 4h30 sáng (1/12), tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đã xảy ra vụ thảm án kinh hoàng khiến 4 nạn nhân tử vong tại chỗ còn một người đang bị thương nặng và được cấp cứu.
Nghi can được xác định là đối tượng Phù Minh Tuấn, (SN 1984), là người có dấu hiệu tâm thần, từng được gia đình cho đi khám chữa tại bệnh viện tâm thần TW và được quay trở về địa phương vào ngày 7/7/2016 vừa qua.
Sau khi trở về địa phương, đối tượng Tuấn sống khá khép kín với mọi người xung quanh, nhưng vào ngày 1/12, lại hung hãn ra tay sát hại 4 người trong 4 gia đình khác nhau trong cùng một dòng tộc. Sự việc xảy ra quá bất ngờ và kinh hoàng khiến dư luận vô cùng hoang mang.
Các nạn nhân được xác định lần lượt là Phù Láo Tả (SN 1957, bố đẻ Tuấn), Tải Lở Mở (SN 1965, thím của Tuấn), Phù Văn Thịnh (SN 1993), Phù Thị Tuyết (SN 2014) và Phù Láo Sán (SN 1990).
Trên thực tế, việc người có dấu hiệu tâm thần ra tay giết người đã không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, đứng trước pháp luật, những đối tượng này phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với hành vi của mình còn là điều không phải ai cũng biết.
Để làm rõ điều này, PV đã trao đổi với luât sư Nguyễn Đức Trang, văn phòng luật Hồng Việt - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Trang cho biết: “Bệnh nhân tâm thần có nhiều dạng khác nhau, theo quy định tại điều 13 Bộ luật Hình sự, người bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì không phải là tội phạm. Bởi theo quy định thì người đó đang trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Mặc dù hiện tại pháp luật không có quy định phải tách người bị bệnh tâm thần cách ly khỏi cộng đồng nhưng nếu bệnh tình quá nặng, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của những người thân trong gia đình thì nên cần được chữa trị để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Luật sư Trang còn phân tích: “Nếu bệnh nhân bị bệnh tâm thần đã được chữa trị thành công, sức khỏe tâm sinh lý đã ổn định và điều khiển được hành vi của mình thì bắt buộc phải chịu trách nhiệm hình sự như người bình thường”.
Như vậy, đối với đối tượng có dấu hiệu tâm thần hoặc đã từng điều trị tâm thần có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bắt buộc phải đi giám định tâm thần để có cơ sở nhằm phục vụ công tác điều tra vụ việc.
Thông tin mới nhất mà PV báo Người đưa tin nhận được từ công an huyện Quang Bình, lời khai ban đầu của đối tượng Tuấn khá mâu thuẫn, khai báo lung tung. Công an huyện Quang Bình đã bàn giao nghi phạm lên công an tỉnh Hà Giang để điều tra theo thẩm quyền.
Theo nguồn tin khá tin cậy mà PV báo Người Đưa Tin có được, đối tượng Phù Minh Tuấn trước khi gây án đã có những mâu thuẫn nhất định giữa những người trong họ hàng, dòng tộc. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới Ông Hoàng Văn Phương - Phó chánh văn phòng UBND huyện Quang Bình xác nhận, Tuấn là đối tượng mắc chứng tâm thần nặng. Trước đó, Tuấn đã từng xuống tay sát hại con đẻ của mình vào chiều 6.1.2015.
Theo ông Phương, sau sự việc đau lòng này, Tuấn được đưa đi cải tạo tại Trại tạm giam Công an huyện Quang Bình rồi bị đưa đi điều trị tâm thần bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương ở Thường Tín, Hà Nội và mới được cho về nhà vào ngày 7.7 vừa qua.
Cũng theo ông Phương ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND huyện Quang Bình đã xuống hiện trường phối hợp với cơ quan công an để giải quyết vụ việc. Bước đầu, UBND huyện Quang Bình hỗ trợ gia đình có nạn nhân tử vong 10 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 5 triệu đồng/người.