Thi tốt nghiệp năm 2014 sẽ có thay đổi lớn?

13:37, Thứ năm 02/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Không đợi đến sau năm 2015 mà ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có thể có những điều chỉnh lớn nhất nhằm mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, chỉ còn thi 4 môn, tính cả điểm năm học lớp 12 khi công nhận tốt nghiệp...

Ý tưởng đề xuất gồm ba thay đổi lớn: Mở rộng diện được miễn thi tốt nghiệp; thay đổi số môn thi và gia tăng mức độ linh hoạt trong việc chọn môn thi; sử dụng kết quả học tập lớp 12 để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp.

Về môn thi, dự kiến thí sinh sẽ chỉ thi bốn môn, thay vì việc có 6 môn thi bắt buộc (trong đó 3 môn công bố vào cuối tháng 3 như các năm trước), theo dự thảo đổi mới của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn 4 môn, trong đó hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán. Hai môn còn lại sẽ do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến mức điểm cộng sẽ là: bài thi Ngoại ngữ đạt 9,0 trở lên được cộng 2,0 điểm; Bài đạt 7,0 điểm trở lên cộng 1,5 điểm; bài đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Nếu ý tưởng này được thực hiện, một kỳ thi tốt nghiệp sẽ có cả 8 môn thi chứ không phải 6 môn như trước đây, chỉ khác là mỗi thí sinh chỉ làm bài thi 4 hoặc 5 môn.

Hình thức thi: Hình thức thi đối với các môn thi không thay đổi so với năm trước, các chuyên gia cho biết dự thảo đưa ra các hình thức thi dự kiến như sau: sẽ thi tự luận với các môn Toán, Ngữ Văn, Địa lý, Lịch sử và thi trắc nghiệm với các môn Vật lý, Sinh học, Hóa học. Riêng Ngoại ngữ sẽ có hai phần trắc nghiệm và tự luận. Thời gian làm bài thi Toán, Ngữ văn 150 phút. Môn Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ 90 phút. Môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thời gian thi 60 phút.

Công nhận tốt nghiệp kết hợp đánh giá cả quá trình học: Tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia GD, dự kiến năm 2014 việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tính dựa vào điểm bài thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh. Theo đó những thí sinh nằm ngoài diện miễn thi sẽ được tính điểm xét tốt nghiệp theo tỉ lệ điểm trung bình 4 bài thi cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2, cộng tiếp với tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia 4.

Ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, có thể các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi. Nhưng không phải tất cả những em có học bạ “đẹp” đều được miễn thi mà Bộ GD-ĐT xác định tỷ lệ miễn thi chung cho các địa phương.

Chẳng hạn, năm 2014, tỷ lệ miễn thi chung tối đa có thể là 20%. Tỷ lệ này sẽ được xem xét để điều chỉnh. Học sinh được miễn thi vẫn có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp. Nếu ý tưởng này được triển khai, Bộ GD-ĐT sẽ có các quy định cụ thể nhiệm vụ của cơ sở giáo dục và các cấp quản lý nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng cho kỳ thi.

Học sinh trong diện được miễn thi vẫn có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp để được công nhận và xếp loại tốt nghiệp tốt hơn. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng tiêu chí cơ bản để xác định cho học sinh được miễn thi, làm cơ sở cho các sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường THPT/Trung tâm GD thường xuyên thuộc phạm vi quản lý. Bộ GD-ĐT xác định tỉ lệ miễn thi chung cho các cơ sở GD-ĐT, Cục nhà trường - Bộ quốc phòng. Tuy nhiên dự kiến năm 2014, tỉ lệ miễn thi chung tối đa là 20%, trong các năm sau sẽ xem xét điều chỉnh tỉ lệ này.

Mô tả ảnh.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp nhằm giảm áp lực cho hoc sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng ông rất ủng hộ tinh thần khẩn trương của Bộ GD-ĐT trong vấn đề đổi mới thi cử. “Đặt vấn đề đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm 2014 chứ không chờ đến sau 2015 là một động thái rất tích cực”, TS Nguyễn Tùng Lâm bình luận.

Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ý tưởng đổi mới như đã trình bày ở trên không đáp ứng được những mục tiêu mà kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay cần phải có: Đảm bảo giáo dục toàn diện; Ảnh hưởng tích cực trở lại quá trình dạy học tại trường phổ thông; Sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH.

Không nên đặt vấn đề cho học sinh miễn thi tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT đã có lộ trình bỏ ba chung thì cũng cần phải có một kỳ thi để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Hơn nữa, chúng ta đã từng có chính sách miễn thi khiến bao nhiêu tiêu cực nảy sinh, kết cục là đã phải bỏ miễn thi. Mục tiêu nên hướng tới là thiết lập một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao.

“Để giảm áp lực cũng như giảm tiêu cực, nên giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp. Sau đó nhà nước tổ chức một kỳ thi để lấy đó làm cơ sở phân loại tốt nghiệp, đồng thời các trường ĐH có cơ sở tuyển sinh. Thí sinh dự thi không phải với mục tiêu thi đỗ, mà là để thể hiện năng lực cá nhân”, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng ý, cần phải đặt vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới bỏ ba chung trong tuyển sinh ĐH. Việc chỉ thi hai môn bắt buộc là văn và toán là chưa đủ mà cần thêm môn ngoại ngữ. Nếu năm nay nhiều thí sinh chưa chuẩn bị kịp thì có thể áp dụng như mọi năm là các em được thi môn khác thay môn ngoại ngữ. “Về lâu dài thì ngoại ngữ là môn công cụ rất quan trọng, nên xác định đó là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết còn cho rằng, các môn khác cũng cần được thi nhưng tổ chức rải rác trong năm học và có thể để cho các trường THPT tự tổ chức thi. “Có thể những người đề xuất ý tưởng thi 4 môn muốn giảm áp lực cho học sinh, nhưng quả thật tôi không hiểu khi nói chỉ thi 4 môn hay 6 môn thì họ căn cứ vào đâu? Theo tôi biết, các nước có tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì học sinh được học môn nào họ đều cho thi môn đó, nhưng họ không dồn vào một kỳ thi mà rải đều ra”.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói: “Tôi rất hoan nghênh sự thay đổi của Bộ theo hướng giảm căng thẳng đối với kỳ thi này. Rõ ràng, hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho xã hội, bức xúc trong dư luận; chưa thực sự kích thích học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện”.

PGS Văn Như Cương cho hay ông rất tán thành ý tưởng giảm số môn thi và cho phép học sinh chọn 2 môn còn lại theo đúng nghĩa tự chọn, chứ không phải như hiện nay chờ đến cuối tháng 3 mới công bố môn thi còn lại, gọi là tự chọn nhưng không phải học sinh được chọn mà là Bộ chọn.

Về việc kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và quá trình học tập PGS Văn Như Cương nhìn nhận về mặt lý thuyết, phương án này rất hay, tuy nhiên trước khi quyết định, Bộ phải cân nhắc kỹ tình hình thực tế hiện nay. Công tác quản lý, giám sát chất lượng học tập của từng môn học, học kỳ, năm học đã đảm bảo bao nhiêu phần trăm độ tin cậy? Ngược lại, đây sẽ là nơi rất dễ nảy sinh tiêu cực. Ví dụ: Hiện nay, mỗi năm tỷ lệ học sinh của Hà Nội tốt nghiệp THPT loại giỏi khoảng 13 - 14%. Nếu để các trường tự đánh giá thì sẽ không hiếm trường có tới 60 - 70% học sinh giỏi. “Do vậy, nếu có ý định cộng điểm xét tốt nghiệp thì khâu kiểm tra, đánh giá định kỳ của cả quá trình học phải làm thật chặt chẽ, có tiêu chí và kiểm tra, giám sát thường xuyên, công khai hơn”, PGS Cương nói.

Theo một cán bộ quản lý của Bộ GD-ĐT, ý tưởng đổi mới thi tốt nghiệp THPT mới đang chỉ bàn bạc trong nội bộ cơ quan Bộ GD-ĐT và hiện cũng chưa có ý kiến thống nhất trong đội ngũ lãnh đạo các Cục, Vụ. Tuy nhiên, Bộ sẽ sớm hoàn thiện dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT và sẽ tổ chức họp báo để xin ý kiến rộng rãi dư luận trong thời gian sớm nhất.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: