Thương tâm: Bị trầm cảm, cô giáo mầm non nhảy cầu tự tử

( PHUNUTODAY ) - Do bị trầm cảm, cô giáo mầm non đã để lại xe đạp rồi nhảy cầu tự tử ở Nghệ An.

Sáng 3/11, trao đổi với PV Báo Giao thông ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, đã tìm thấy thi thể cô giáo Nguyễn Thị Hải (29 tuổi, giáo viên mầm non xã Thanh Liên) mất tích cách đây 3 ngày.

benh-tram-cam-1-phunutoday.vn

 Cầu treo Chợ Chùa, nơi cô Hải để lại chiếc xe đạp rồi nhảy cầu tự tử.

Vào khoảng 5h ngày 3/11, mọi người tá hỏa khi phát hiện một thi thể phụ nữ trôi dạt tại khu vực cầu Dùng (Thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Sau khi vớt lên bờ, nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Hải (29 tuổi, trú ở xóm Liên Trung, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương).

Nhận được tin báo, chính quyền xã Thanh Liên đã thông báo về gia đình. Đồng thời, thi thể cô Hải đã được người thân đưa về mai táng theo phong tục địa phương.

Theo một số người dân sống gần nhà cho biết, thời gian gần đây, cô Hải có nhiều dấu hiệu buồn bã, vì thế nghi rằng nạn nhân trầm cảm nên mới quyết định tự tử.

Được biết, nơi phát hiện thi thể nạn nhân cách nơi phát hiện chiếc xe đạp trên cầu Chợ Chùa (bắc qua sông Giăng nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh) khoảng 10km.

Trước đó, vào khoảng 6h ngày 31/10, người dân địa phương phát hiện một chiếc xe đạp mini trên cầu treo Chợ Chùa nên đã báo cho chính quyền địa phương. Sau khi xác minh, đây là xe đạp của cô Nguyễn Thị Hải, hiện đang là giáo viên mầm non xã Thanh Liên.

Liên lạc với gia đình, người thân cho biết, sáng sớm cô Hải đã đến trường như bình thường. Tuy nhiên, vào thời điểm này, đại diện trường cũng cho biết không thấy cô Hải đến lớp.

Nghi ngờ cô Hải rơi xuống sông rồi mất tích, mọi người lập tức tìm kiếm dưới chân cầu treo và trên sông Giăng. Được biết, cô Hải có một con nhỏ, còn chồng đi làm xa nhà.

Bệnh trầm cảm dễ dẫn đến hành vi tự sát

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ 4 sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Trong đó, rối loạn trầm cảm là vấn đề lớn trong lĩnh vực tâm thần học, là bệnh khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao tại nhiều nước trên thế giới, như Mỹ gần 10%.

tramcam1-8000-1435577284

 Nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm gấp đôi nam giới. Ảnh: News.Vanderbilt. 

Tại Việt Nam, một nghiên cứu quốc gia năm 2002 cho thấy rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ đến gần 4% dân số. Đây là con số rất đáng quan tâm. Cơ chế bệnh sinh của trầm cảm có nhiều giả thiết được đưa ra, trong đó liên quan đến tâm lý được nhấn mạnh, ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết tại hội thảo liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm diễn ra ở Hà Nội ngày 29/6. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm cảm thấy buồn và vô vọng, không thích thú với những hoạt động như trước đây, có vấn đề về giấc ngủ hoặc lúc nào cũng mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể. Thực tế nhiều người không hề nghĩ đây là biểu hiện của bệnh.

Trong suy nghĩ của nhiều người, không ai đi khám vì buồn chán đời mà chỉ đi khám bệnh thực thể. Bệnh nhân đến khám cũng không tin trầm cảm là bệnh. Một số người hiểu nhầm trầm cảm chỉ là việc ai đó cảm thấy buồn hoặc không có động lực hay lười biếng.

Hậu quả của bệnh có thể rất nặng nề. Khả năng người bị trầm cảm tự tử khá cao. Khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời và khoảng 4% bệnh nhân chết do tự sát. Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về việc tự sát ở những bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, các bác sĩ ước tính cứ 10 bệnh nhân trầm cảm nặng thì 4 người có ý tưởng, suy nghĩ tự sát và một đã thử tự sát nhưng thất bại.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn