Tôm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Bạn có thể chế biến tôm theo nhiều cách như tôm luộc, hấp, rang, nướng... Nhiều bà nội trợ mua tôm với số lượng lớn rồi bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần. Khi muốn ăn thì chỉ cần lấy ra và chế biến là xong.
Tuy nhiên, thủy hải sản như tôm thường rất dễ biến chất. Nếu không biết cách bảo quản, tôm hay bị khô, đen đầu, thịt bở, không còn vị ngon như ban đầu.
Để giữ được tôm tươi ngon dù bảo quản đông lạnh, bạn hãy làm theo cách sau.
Sử dụng đường
Tôm tươi mua về ngâm trong nước một lúc cho sạch rồi rửa vài lần với nước để loại bỏ hết bùn đất và chất bẩn.
Sau khi tôm được rửa sạch, hãy dùng khăn giấy thấm khô bề mặt tôm.
Thay vì cho tất cả tôm vào hộp một lúc, bạn có nên xếp tôm theo lớp. Sau khi xếp được một lớp tôm, hãy rắc một ít đường trắng lên trên rồi mới xếp lớp tôm tiếp theo. Cứ một lớp tôm lại rải một lớp đường. Làm như vậy cho đến khi hết số tôm đã có.
Đậy kín nắp hộp và cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi cần dùng thì lấy tôm ra và rã đông.
Đường có khả năng khóa độ ẩm giúp tôm không bị mất nước. Như vậy, tôm sẽ có hương vị tươi ngon dù được bảo quản đông lạnh.
Bạn có thể chia tôm thành nhiều phần vừa đủ có một lần nấu rồi mới bỏ vào ngăn đá. Làm như vậy khi rã đông sẽ tiện hơn và không làm ảnh hưởng đến phần tôm còn lại.
Sử dụng nước và muối
Tôm mua về rửa sạch. Nếu tôm còn nhảy tanh tách thì đem ngâm trong nước đá lạnh cho tôm "ngất đi".
Xếp tôm vào hộp rồi đổ nước muối loãng vào cho đến khi tôm ngập trong nước.
Đậy kín nắp hộp và cho vào ngăn đá tủ lạnh.
Lưu ý, nước muối phải pha loãng. Nếu pha mặn thì muối sẽ ngấm cả vào con tôm.
Tôm có lượng đạm cao nên dễ bị oxy hóa. Đây chính là nguyên nhân khiến tôm bị thâm đen sau một thời gian tiếp xúc với không khí. Với cách này, nước sẽ tạo thành lớp băng đá ngăn cho tôm không tiếp xúc với không khí, làm chậm quá trình oxy hóa của tôm, giảm tiếp xúc với các sinh vật bên ngoài.
Lớp băng đá còn có một tác dụng khác là chống mất nước, giữ ẩm, giữ hương vị cho con tôm.
Khi cần ăn, bạn chỉ cần đem tôm ra rã đông. Xả vòi nước thẳng vào cục đá có tôm để đá tan nhanh. Sau đó, đem tôm đi chế biến ngay.
Nếu chưa nấu ngay thì cần ngâm tôm trong chậu nước đá để giữ cho tôm tươi ngon. Để lâu tôm sẽ biến chất, kém ngon.
Không nên rã đông theo kiểu để đá chảy tự nhiên hoặc ngâm tôm trong nước lâu vì như vậy thịt tôm sẽ bị bở, dễ long đầu.
Sử dụng chai nước để bảo quản tôm
Tôm mua về rửa sạch rồi cho vào vỏ chai nước khoáng. Nhét từng con tôm vào chai, số lượng tôm chỉ đủ lượng dùng cho một bữa ăn. Sau đó đổ đầy nước vào trong chai và đậy nắp lại. Bỏ các chai đựng tôm vào ngăn đá để bảo quản.
Tương tự như cách trên, cách này sẽ giúp cách ly tôm khỏi không khí, ngăn tôm bị oxy hóa.
Khi cần chế biến, bạn chỉ cần lấy chai nước ra, mở nắp và cho nước lạnh vào trong. Lớp đá sẽ nhanh chóng tách ra khỏi thân chai. Lúc này, dùng dao hoặc kéo để cắt vỏ chai và lấy tôm ra là xong.
Hấp hoặc luộc sơ tôm rồi bảo quản
Thay vì bảo quản tôm sống, bạn có thể sơ chế, làm chín tôm rồi mới đem bảo quản.
Tôm mua về rửa sạch rồi để ráo nước. Cho một ít nước và muối vào nồi đun sôi. Cho tôm tươi vào nồi và luộc khoảng 2 phút. Sau đó, vớt tôm ra để ráo nước.
Nếu không luộc, bạn cũng có thể hấp sơ tôm trong vòng 2 phút.
Cho tôm đã hấp/luộc vào các hộp/túi zip. Chia lượng tôm trong mỗi hộp/túi vừa đủ dùng cho một bữa ăn. Sau đó, cho tôm vào ngăn đá tủ lạnh.
Với cách này, tôm giữ được lâu mà không bị quắt lại. Khi ăn thì đem tôm ra hấp hoặc chế biến thành các món tùy sở thích.