Tiếp viên hàng không
Được lọt vào danh sách những nghề có mức thu nhập thuộc top đầu, tiếp viên hàng không luôn là một công việc được rất nhiều người thèm khát. Bởi lẽ, trong con mắt của không ít người nghĩ rằng, đây là một nghề luôn được “ăn ngon, mặc đẹp”. Tiếp viên luôn được xuất hiện rạng ngời cùng vẻ chuyên nghiệp và nụ cười tươi tắn. Những nữ tiếp viên hàng không cũng vì thế mà có những sức hút vô cùng đặc biệt, khiến không ít chị em phụ nữ mơ ước.
Thế nhưng, thực tế, công việc của những nữ tiếp viên hàng không rất vất vả. Họ làm mọi việc từ hướng dẫn khách đặt đồ, sử dụng các thiết bị đúng nơi, đúng lúc, đến xử lý mọi tình huống khi máy bay gặp sự cố, thu dọn rác và kiểm tra thiết bị sau khi khách đã rời khỏi máy bay. Trên những chuyến bay dài, tiếp viên hàng không còn kiêm luôn việc dọn nhà vệ sinh, dọn bếp khi cần.
Không những vậy, họ còn phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ có thể xảy ra trong khi cất cánh trên bầu trời. Hàng loạt tai nạn hàng không xảy ra liên tiếp chính là hồi chuông cảnh báo cho an toàn bay của phương tiện được xem là “một mình một đường”. Và đối với tiếp viên hàng không, một ngày có thể phải bay tới 4 chuyến thì nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa đối với tai nạn hàng không, một khi đã xảy ra thì thiệt hại về người thường rất lớn.
Tuy nhiên không phải vì thế mà nghề tiếp viên hàng không mất đi sứt hút với nữ giới. Hằng năm, vẫn có rất nhiều cô gái xinh đẹp, giỏi giang xếp hàng để được có cơ hội ứng tuyển vào đội ngũ này.
Phóng viên, nhà báo
Nghề báo - với nam giới đã khá vất vả, với phụ nữ - lâu nay vốn được xem là phái yếu - lại càng lắm gian truân. Là phóng viên, nhà báo, họ phải lao động vất vả dưới sức ép căng thẳng của công việc và thời hạn. Họ phải đi nhiều, liên tục chạy theo các sự kiện mới.
Trong không ít trường hợp, nghề báo khá nguy hiểm, đặc biệt với những phóng viên thuộc mảng điều tra kinh tế, tệ nạn xã hội, phóng viên chiến trường... Không ít trường hợp nhà báo bị đe dọa, hành hung vì "lỡ" phanh phui ra sự thật. Chấp nhận theo nghiệp báo, đồng nghĩa với việc họ phải lường trước được những khó khăn, gian khổ, phải đủ bản lĩnh, sự mạnh mẽ... để vượt qua những chông gai đó.
Thế nhưng, ngoài nghề nghiệp của bản thân ra, họ còn là những người vợ, người mẹ trong gia đình. Vì thế, trách nhiệm đặt lên vai họ cũng nặng nề hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên không phải vì thế mà phóng viên, nhà báo nữ ít hơn hay "kém nghiệp vụ" hơn nam giới. Rất nhiều nhà báo nữ nổi tiếng với những tác phẩm báo chí hay, có ích cho xã hội. Điều này cũng khiến nhiều chị em vững tâm lựa chọn dấn thân vào nghề nguy hiểm này hơn.
Công an, cảnh sát
Công an, cảnh sát là một trong những nghề được nhiều người kính trọng. Phụ nữ làm nghề này thường rất thông minh, mạnh mẽ, có sự quyết đoán cao.
Tuy nhiên, nghề này cũng được xếp vào những nghề "nhạy cảm". Họ phải tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội, tham gia truy bắt tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, công việc họ làm rất nguy hiểm, nếu sơ sảy có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Phụ nữ làm cảnh sát giao thông có thể suốt ngày sẽ phải "phơi mặt" ngoài đường, hít khói bụi, thậm chí bị trêu chọc, quấy rối.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nữ cảnh sát, nữ công an trong bộ quân phục có nét hấp dẫn rất đặc biệt, khiến nhiều chị em dù biết đây là nghề nguy hiểm vẫn muốn thử sức mình.
Bác sỹ, y tá
Bác sĩ, y tá là những người làm việc trong ngành y với trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, được xã hội gọi bằng thầy thuốc, là “lương y như từ mẫu. Nhiều người cho rằng, lương bác sỹ, y tá rất cao. Tuy nhiên, đằng sau họ lại là những nỗi vất vả, hiểm nguy không thể nói thành lời.
Làm việc trong môi trường y tế thì không thể tránh được những rủi ro từ các mầm bệnh mang lại. Bác sĩ luôn luôn phải tiếp xúc với vô vàn bệnh nhân trong một ngày với nhiều loại bệnh nguy hiểm khác nhau.
Họ ngày đêm làm việc không quản giở giấc để đem lại sự sống cho con người. Bác sĩ chính là người làm công việc tiên đoán chuẩn bệnh, chỉ với một sai sót nhỏ có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng nên lúc nào họ cũng phải sống trong tình trạng căng thẳng, stress. Không những thế, nhiều bác sỹ còn bị người nhà bệnh nhân hành hung, dọa nạt.
Luật sư
Trở thành Luật sư là mơ ước của nhiều người, trong đó có không ít nữ giới. Mơ ước này khá thời thượng và phù hợp với sự phát triển của xã hội bởi trên thực tế hiện nay nghề Luật sư đang được đánh giá là “hot” và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Thế nhưng, cũng như những nghề trên, góc khuất của nó, chỉ những người trong nghề mới có thể thấu hiểu.
Có tình yêu nghề, nhiệt huyết thôi chưa đủ, để trở thành nữ luật sư, họ phải là người nắm chắc các quy định của pháp luật, đồng thời biết vận dụng linh hoạt những quy định đó.
Đôi lúc vì bảo vệ cho khách hàng mà luật sư phải chịu những thiệt hại về tài sản, về tính mạng sức khỏe. Có những luật sư còn bị đốt nhà, tạt axít, bị côn đồ đánh ...
Nhưng không phải vì thế mà họ bỏ nghề luật sư, nhất là đối với nhiều nữ luật sư. Những lăn lộn với nghề giúp họ gắn bó và yêu nghề hơn để rồi họ càng có nghị lực để vượt qua khó khăn, trở thành người luật sư thành công.
Mọi con đường đi đến thành công đều gập ghềnh gian khó. Nghề nào cũng vậy, muốn thành công chúng ta phải trải nghiệm qua khó khăn. Khi hội tụ đủ cố gắng, say mê, tâm huyết và ý chí thì chắc rằng chúng ta sẽ là người nắm trong tay tương lai đầy hứa hẹn. |
Top những nghề thưởng Tết Nguyên Đán "khủng" nhất Việt Nam Nhân viên công ty chứng khoán có thể được thưởng Tết Âm lịch 2015 từ 5-6 tháng lương, trong khi giảng viên ĐH con số này có thể lên tới 100 triệu đồng. |