Trẻ nhỏ mọc răng khi nào?
Theo đúng trình tự phát triển thì trẻ nhỏ thường bắt đầu mọc chiếc răng “sữa” đầu tiên khi con ở tháng thứ 6. Sau 12 tháng có khoảng 6 chiếc răng và đến khi trẻ được 24 tháng, con sẽ “đầy một hàm răng sữa” với khoảng 20 chiếc (gồm 10 chiếc “nhỏ xíu” ở hàm trên và 10 chiếc “xinh xinh” ở hàm dưới). Và hành trình mọc răng của trẻ thường hoàn thiện khi bé được 3 tuổi.
Tuy nhiên thời gian mọc răng ở mỗi bé là khác nhau vì còn phụ thuộc vào thể chất của từng trẻ. Có bé chỉ mới 4-5 tháng tuổi đã nhú chiếc răng sữa đầu tiên, nhưng cũng có bé đến gần 1 tuổi con mới bắt đầu mọc răng.Vì vậy, nếu trong khoảng thời gian trẻ dưới 1 tuổi mà ba mẹ chưa thấy con mọc chiếc răng nào thì mẹ cũng đừng quá lo lắng.
Nên làm gì khi trẻ sốt mọc răng?
Ngay khi bé có biểu hiện sốt, các bậc cha mẹ nên theo dõi, cặp nhiệt độ liên tục. Nếu trẻ sốt gần 38℃ là sốt vừa, trên 38℃ là sốt cao. Khi bị sốt mọc răng, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, liều lượng 10-15 mg cho một kg cân nặng và cứ sau 4 giờ lại cho uống 1 lần đến khi trẻ hạ sốt.
Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc. Nếu bé sốt cao hơn, đến 39℃ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần , vì khi sốt quá cao trẻ sẽ có dấu hiệu co giật toàn thân, thiếu oxy lên não, tổn thương tế bào thần kinh khiến bé rơi vào tình trạng hôn mê sâu hoặc tử vong.
Ngoài việc cho uống thuốc, bạn có thể làm những việc sau khi trẻ sốt mọc răng
Có thể lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay nước quá nóng. Đồng thời nên mặc cho bé những bộ đồ rộng rãi thoải mái để nhiệt thoát ra.
Bạn nên tăng cường các bữa bú cho bé trong ngày. Nếu bé không bú được, bạn cần vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa.
Nên cho bé uống thêm nước lọc (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường). Trường hợp bé không uống được nước, dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và cũng tránh được tình trạng mất nước.
Nếu bé đi đại tiện phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, hãy cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến Bác sĩ.
Cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Nhớ luôn luôn làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.
Không để bé tiếp xúc với những loại đồ chơi, vật dụng vuông thành sắc cạnh, vì có thể bé sẽ nhai và làm tổn thương nướu lợi.
Nếu trẻ bị sốt cao, co giật, lấy một chiếc khăn mềm, nhỏ, gấp lại rồi kẹp vào miệng bé, đề phòng bé cắn vào lưỡi. Tiếp đến, đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Hết sức thận trọng vì nếu không xử lý kịp thời, bé sẽ gặp nguy hiểm về sức khỏe hoặc để lại những di chứng nặng nề sau này như: chậm phát triển trí tuệ, rối loạn thần kinh… Sốt cao co giật hay đi kèm các dấu hiệu khác như: phát ban, khó thở…
Lưu ý: Bé sốt mọc răng sẽ bị sốt nhẹ trong vòng vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bé bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng.
Hãy mang bé đến Bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám.