Từ Hy Thái Hậu giết con bằng độc dược?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bí ẩn trùng lặp này rất hiếm khi xảy ra. Vì thế cái chết của Thái hậu Từ Hy và Vua Quang Tự chưa được lịch sử giải đáp thỏa đáng.

Hai mẹ con chết cách nhau chỉ một ngày

Thanh Đức Tông Quang Tự sinh năm 1871, là vị vua áp chót của triều Thanh. Trong thời gian chấp chính ngắn ngủi, ông cố gắng thực hiện cải cách, trọng dụng biến pháp Duy Tân, “tốc biến toàn biến” của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng... Nhưng cuối cùng không địch nổi với phe thủ cựu Từ Hy thái hậu, Viên Thế Khải nên Quang Tự bị giam trong Doanh Đài suốt 10 năm.

Chiều 14-11-1908, Quang Tự trút hơi thở cuối cùng tại điện Hàm Nguyên, Doanh Đài trong Trung Nam Hải, hưởng dương 38 tuổi với 34 năm làm hoàng đế. Quang Tự lúc lâm chung chẳng có người thân nào bên cạnh, đến khi phát hiện thì đã chết nhiều giờ.

Điều kỳ lạ là sau khi Quang Tự chết đúng một ngày, ngay chiều hôm sau, mẫu hậu và cũng là kẻ thù chính trị của ông, là Từ Hy thái hậu cũng qua đời tại điện Loan Nghi sau 48 năm thao túng triều chính Mãn Thanh, hưởng thọ 74 tuổi. Hai sự kiện này khiến dư luận Trung Quốc và thế giới xôn xao một thời.

Bí ẩn trùng lặp này rất hiếm khi xảy ra. Vì thế cái chết của Thái hậu Từ Hy và Vua Quang Tự chưa được lịch sử giải đáp thỏa đáng.

Ai giết Quang Tự?

Tin tức hoàng đế Quang Tự và thái hậu Từ Hy nối nhau qua đời làm chấn động trong và ngoài Trung Quốc. Đa số đều cho rằng hoàng đế trẻ trung lại chết trước thái hậu già nua chỉ cách có một ngày, đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà là một âm mưu hạ độc được sắp đặt tinh vi. Do đó, rất nhiều thuyết nói Quang Tự bị chính mẹ mình hạ thủ. Tại sao vậy?

Quan Ngự sử triều Thanh và là cận thần của vua Quang Tự là Huy Dục Đỉnh trong Sùng Lăng truyền ngôn lục, Từ Kha trong Thanh bại loại khảo, đều cho rằng Từ Hy thái hậu khi lâm bệnh nặng, sợ rằng sau khi mình chết, Quang Tự xét lại vô số án oan mà bà gây ra, vì thế đã cho người hạ độc thủ cho Quang Tự chết trước. Nhưng ai đích thân hạ độc thì vẫn còn là một bí mật.

Từ Hy ngoại truyện của tác giả người Anh Poland và Doanh Đài khấp huyết ký của Đức Linh cho rằng: “Bọn quan lại trong triều, đứng đầu là đại thái giám Lý Liên Anh thường ngày ỷ thế chủ là Từ Hy hay làm nhiều chuyện tổn thương Quang Tự. Bọn họ sợ rằng Từ Hy qua đời, Quang Tự nắm quyền sẽ trừng phạt, vì thế “Tiên hạ thủ vi cường”, hạ độc cho Quang Tự đi trước”.

Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của triều Thanh - trong cuốn hồi ký Nửa đời trước của tôi lại nói đến chuyện Viên Thế Khải trong Mậu Tuất chính biến được Quang Tự tín nhiệm đưa quân đảo chính, vô hiệu hóa quyền lực Từ Hy để thực hiện kháng chiến chống phương Tây. Nhưng vào thời điểm mấu chốt, Viên Thế Khải đã bán đứng Quang Tự, tiết lộ âm mưu với Từ Hy, khiến Từ Hy giam Quang Tự vào Doanh Đài. Do đó, Viên Thế Khải sợ Quang Tự nắm quyền sẽ không tha cho mình, nên đã mượn cơ hội dâng thuốc mà hạ độc.

Vị hoàng đế này mất năm 38 tuổi, dẫn đến sự nghi ngờ rằng ông đã bị giết bởi kế hoạch cải tổ của mình. Hoàng đế Quang Tự đã bị quan nhiếp chính và Từ Hy Thái hậu bắt vào năm 1898 ngay sau khi ông bắt đầu "100 ngày cải tổ" nhằm đổi mới Trung Quốc và thành lập hiến pháp theo chế độ quân chủ. Nhưng cuộc cải cách của ông bị thất bại bởi hầu hết quyền lực trong triều vẫn bị Từ Hy Thái hậu với tư tưởng bảo thủ nắm giữ. Từ Hy Thái hậu là vợ Hoàng đế Hàm Phong và là cô của Hoàng đế Quang Tự.

Tài liệu của tòa án khi đó cho rằng vị hoàng đế này đã chết một cách tự nhiên sau một thời gian dài lâm bệnh. Nhưng các tài liệu cá nhân khác được lưu trữ bởi các nhân viên tòa án lại tiết lộ về khả năng chính âm mưu trong hoàng cung mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vị vua này.

Trúng độc cấp tính

Các giám định pháp y đã lấy 2 nhúm tóc, một ít xương và mẫu y phục của Quang Tự để xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong tóc của Quang Tự có nồng độ thạch tín khá cao và có sự chênh lệch hàm lượng rất lớn giữa các đoạn tóc. Ở đoạn thứ 10 của nhúm tóc thứ nhất có hàm lượng thạch tín lên tới 2.404 µg/g; ở đoạn 26 của nhúm tóc thứ hai có hàm lượng 362,7 µg/g và đoạn thứ 45 là 202,1 µg/g. So với người bình thường chỉ vào khoảng 0,14-0,59 µg/g thì rõ ràng hàm lượng thạch tín trong tóc Quang Tự là quá cao.

Trước đây cũng có giả thuyết cho rằng thời gian ở trong cung và bị giam ở Doanh Đài, Quang Tự từng uống nhiều trung dược để chữa bệnh suy nhược, trong đó thường dùng hùng hoàng, thư hoàng, chu sa, dẫn đến nhiễm độc thạch tín, thủy ngân mạn tính mà tử vong.

Tuy nhiên, trong tình huống trúng độc mạn tính mà chết thì, về nguyên tắc, hàm lượng độc tính ở gốc tóc của người trúng độc phải cao hơn so với đoạn giữa và ngọn tóc. Nhưng ở trường hợp vua Quang Tự thì ngược lại, hàm lượng thạch tín ở ngọn và giữa tóc cao hơn gốc tóc rất nhiều. Điều này chứng minh vua Quang Tự chết không phải trúng độc mạn tính do dùng trung dược dài ngày.

Đồng thời với việc xét nghiệm, các chuyên gia khoa học cũng thông qua những tư liệu lịch sử về tình hình 10 ngày trước khi Quang Tự băng hà để chứng minh rằng vị vua này bị trúng độc cấp tính do sử dụng thạch tín quá liều trong thời gian ngắn.

Trước đây, Khuất Quý Đình là ngự y trong triều Thanh, từng viết bài trên tạp chí Dật kinh, nói rằng 3 ngày trước khi Quang Tự qua đời, lần cuối cùng ông được vào khám bệnh cho hoàng thượng, phát hiện bệnh tình của Quang Tự từ thuyên giảm đã bất ngờ chuyển sang ác hóa, lăn lộn trên giường, kêu la đau bụng, mấy hôm sau thì chết. Vị ngự y này cho rằng tuy không thể đoán chính xác ai là người hại Quang Tự nhưng ông khẳng định là Quang Tự bị người mưu hại bằng độc dược.

Cục Tin tức Trung Quốc cho biết, việc khám phá ra lượng lớn chất độc asen trong quan tài của Hoàng đế Quang Tự giúp làm sáng tỏ những đồn đại xung quanh cái chết của ông. Theo đó, Hoàng đế Quang Tự bị sát hại theo lệnh của Từ Hy Thái hậu chỉ chưa đầy 1 ngày trước khi bà băng hà. Từ Hy (lúc đó 74 tuổi và ốm nặng) lo sợ rằng Quang Tự sẽ giành lại ngai vàng và tiếp tục kế hoạch cải cách sau khi bà qua đời. Sau khi Quang Tự mất, cháu của ông là Phổ Nghi lên kế vị, người đã nổi tiếng nhờ bộ phim "Hoàng đế cuối cùng" của Hollywood.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn