Tuyến đường xe bus 13 tỷ ngổn ngang hàng quán

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cách đây 3 ngày, Hà Nội đưa vào sử dụng tuyến đường xe bus trị giá 13 tỷ. Tuy nhiên vừa đưa vào sử dụng tuyến đường đã lộn xộn bởi hàng quán và bãi trông xe.

Tổng chiều dài tuyến đường dành riêng là 1.310 m, nằm trong dải giữa đường Yên Phụ hiện nay. Điểm đầu tuyến tiếp giáp với điểm trung chuyển Long Biên, điểm cuối tuyến tiếp giáp với nút giao Thanh Niên – Nghi Tàm – An Dương với 4 điểm dừng đón trả khách của xe buýt tại nút giao với phố Hàng Than, Cửa Bắc.

Mô tả ảnh.
Tuyến đường trị giá 13 tỷ đồng.

Các nút giao trên tuyến như sau: Nút Yên Phụ – Hàng Than bố trí hệ thống đèn tín hiệu 2 pha; nút Yên Phụ – Cửa Bắc bố trí hệ thống đèn tín hiệu 3 pha; nút giao Yên Phụ - Thanh Niên – Nghi Tàm – An Dương giữ nguyên theo tổ chức giao thông hiện trạng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, khi đưa vào khai thác sử dụng xe buýt sẽ hoạt động hoàn toàn trong làn đường dành riêng, tách khỏi dòng giao thông chung.

Ông Hải cho biết, trong tổng số 13 tỷ đồng đầu tư cải tạo tuyến đường dài 1,3 km này thì riêng việc cải tạo mặt đường (trải lại lớp nhựa trên nền đường cũ) đã ngốn hết 8 tỷ đồng. 5 tỷ đồng còn lại để làm biển báo, chiếu sáng, tổ chức giao thông... Nguồn tiền này thuộc Dự án cải thiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội do vùng Ile de France (Pháp) tài trợ.

Thế nhưng, sau 3 ngày đưa vào sử dụng lối ra, vào từ phía bến Long Biên khá chật hẹp và vẫn ngổn ngang. Một đoạn đường dành cho xe buýt gần nút giao Yên Phụ - Thanh Niên - Nghi Tàm hiện chưa thể sử dụng vì nút giao chưa được quy hoạch.

Mô tả ảnh.
Nút giao chưa được quy hoạch.

Trước đây, đoạn đường này là nơi đậu cả trăm xe buýt của nhiều tuyến. Nay chỉ còn tuyến 54, 08, 04, 58 được phép đỗ tại đây, tuyến số 10, 17 chuyển tới gầm cầu Long Biên. Các tuyến khác chuyển đến bến xe Lương Yên. Điểm đỗ mới tại gầm cầu Long Biên (nơi vốn là bãi đỗ xe của Đội CSGT số 1) nồng nặc mùi nước tiểu, nước thải.

Mô tả ảnh.
Tại điểm đỗ xe tạm quán nước cũng mọc lên.

Khu vực vốn là bãi đỗ xe buýt và điểm trông giữ ôtô hiện được bố trí thành các điểm dừng đón trả khách tại nút giao với phố Hàng Than, Cửa Bắc. Những điểm đón trả khách vốn nằm trên 2 chiều đường Yên Phụ cũng được chuyển vào làn đường dành riêng.

Mô tả ảnh.
Các quán cóc bày bán ngổn ngang.

Đoạn đường còn bị lấn chiếm làm nơi trông xe ô tô, xe máy và bán hàng nước. Bãi trông ôtô của Công ty khai thác điểm đỗ Hà Nội vẫn hoạt động trên vỉa hè dọc tuyến đường. Muốn lên xuống bãi đỗ này, ôtô sẽ phải đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt. Hai bên đường gần trung tâm điều hành xe buýt bị chiếm dụng làm chỗ gửi xe máy. Mỗi lượt gửi, nhân viên tại đây thu của khách 10.000 đồng.

Mô tả ảnh.
Lối đi vào bãi gửi xe ô tô chính là làn đường dành cho xe bus.

Trên tuyến đường xe bus mới có nhiều đoạn đường cắt ngang qua, dẫn đến tính trạng các xe phải tránh nhau dễ gây tai nạn. Ở những ngã tư với đường cắt ngang, có đường rẽ vào và ra cho xe buýt. Tại các nút giao, nhiều phương tiện vẫn vượt đèn đỏ băng qua đầu xe buýt để sang đường. Bố trí hướng đèn bất hợp lý cũng đang khiến ùn ứ giao thông giờ cao điểm trên tuyến phố vốn khá thông thoáng này.

Mô tả ảnh.
Xe máy để tràn xuống lòng đường.

Theo nhiều độc giả, tuyến dành riêng cho xe buýt thứ hai của thủ đô (sau tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông) dường như chưa phát huy hiệu quả so với khoản tiền đầu tư 13 tỷ đồng.

Bạn đọc Quang H. chia sẻ về việc sử dụng tuyến đường dành cho xe bus mới: "Mình thấy thành phố thật lãng phí tiền vào các công trình như thế này, con đường này chưa hiệu quả vì hàng quán và các điểm khai thác đỗ xe bừa bãi, gây cản trở giao thông cũng như dễ xảy ra tai nạn. Điển hình như tuyến đường Nguyễn Trãi, Hà Đông mà phát ngán, vừa xấu lại còn gồ gề nữa, chưa kể, 1/2 đường hay bị chiếm dụng bởi xe taxi và các loại ô tô, xe máy khác. Chưa kể cứ đoạn lại có cái hố ga sau khi đào xong, hút rồi lấp lại thì xây cao hơn hẳn mặt đường, gây khó khăn khi lưu thông trên đường".

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn