Chú ý cách sắp xếp thực phẩm
Bạn nên thường xuyên kiểm tra thực phẩm trong tủ lạnh. Hãy ưu tiên để những thực phẩm cũ ra phía ngoài, thực phẩm mới để bên trong. Tốt nhất là nên ghi chú ngày tháng lên trên hộp thức ăn.
Khi thấy thực phẩm có dấu hiệu mốc, màu sắc thay đổi, có mùi lạ thì tốt nhất nên bỏ chúng đi. Giữ lại sẽ làm ảnh hưởng đến các thực phẩm khác và không tốt cho sức khỏe người dùng.
Chia thức ăn thành nhiều phần
Thức ăn đu đi đun lại quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hương vị và dinh dưỡng. Do vậy, bạn nên chia thức ăn thành từng phần vừa đủ cho một bữa. Mỗi lần ăn chỉ đun nóng đúng một phần đó như vậy sẽ đảm bảo vệ sinh cũng như độ ngon cho món ăn.
Với thịt cá đông lạnh, bạn cũng nên chia thành từng phần để việc rã đông trở nên dễ dàng hơn.
Chế biến thực phẩm thừa thành những món ăn mới
Sau Tết, các gia đình đều còn thừa rất nhiều thịt gà, bánh chưng, dưa muối, giò chả... thậm chí cả những trái cây trên mâm ngũ quả. Khi này, chị em có thể tận dụng những thực phẩm đó để chế biến thành những món ăn hấp dẫn. Thịt gà có thể dùng để nấu bún, phở, súp hoặc làm nộm. Những loại trái cây có thể dùng để làm sinh tố, nước ép, thạch hoa quả hoặc trộn cùng với sữa chua...
Bảo quản rau củ tươi
Để kéo dài thời gian bảo quản của các loại rau củ tươi, bạn nên ngắt bỏ phần lá úa, dập, bị sâu và để thật ráo nước rối mới cho vào tủ lạnh. Tuy nhiên, rau củ rất nhanh hỏng nên bạn cần phải sử dụng chúng càng sớm càng tốt.
Bảo quản bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét thường thừa rất nhiều sau Tết. Bạn chỉ nên để chúng ở nhiệt độ phòng trong khoảng 10 ngày sau khi nấu. Sau đó, tốt nhất nên cho vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu muốn kéo dài thời gian bảo quản, bạn có thể cho vào ngăn đá. Việc cho vào tủ lạnh sẽ khiến phần gạo nếp bị cứng. Tuy nhiên, khi lấy ra chỉ cần hấp lại hoặc cho vào lò vi sóng hoặc rán lên là bánh lại mềm như cũ.