Vì sao lại nên cúng cô hồn vào buổi chiều tối?

09:02, Thứ sáu 28/08/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo các chuyên gia, lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận và chịu nhiều oan trái trong xã hội… nên cúng vào buổi chiều tối.

Cúng vào chiều tối

Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột (hay Diên Hựu - Ba Đình - Hà Nội) cho hay, tín ngưỡng dân gian Việt Nam coi tháng 7 là “tháng cô hồn” hay tháng “ma quỷ”.

Còn trong đạo Phật thì tháng 7 được coi là tháng lễ Vu Lan báo hiếu gắn liền với chuyện của Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ diễn ra từ thời Đức Phật còn tại thế.

Về tín ngưỡng cúng rằm tháng 7, theo Đại đức Kiên, tục lệ này bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian về khoảng thời gian từ mùng 2/7 đến sau 12/7 âm lịch.

Khi đó, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan “thả cửa” cho ma quỷ và kết thúc sau 12 giờ đêm của rằm tháng 7 các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Tính từ ngày 2-14/7 âm lịch là các ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian.

me
Cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội… nên cúng vào buổi chiều tối.

Vì tin là ngày mở cửa ngục ân xá cho vong linh nên dân gian sắm cỗ cúng các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa để được bình an, ma quỷ không quấy phá.

Theo vị trụ trì này, việc cúng cô hồn cúng cô hồn mang tính nhân văn cao trong văn hoá Việt Nam cũng như quan niệm ngày xá tội vong nhân là dù con người gây ra những tội ác gì cũng có 1 ngày xá tội để đỡ chịu đau đớn, khổ cực.

Vì thế, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy về cảnh giới an lành.

Còn với lễ Vu Lan, mọi người nên phát huy truyền thống thống tốt đẹp của người Việt là báo hiếu tổ tiên. Các gia đình nên đi chùa để làm lễ, cầu siêu cũng như tỏ lòng báo hiếu tới cha mẹ, ông bà và tổ tiên.

Sau đó về nhà làm mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ phật và bàn thờ của người thân đã mất. Nên làm lễ cầu siêu ở mức độ đơn giản, chứ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy hay nghi thức rườm rà.

Về việc nên chọn ngày nào, giờ nào để cúng rằm tháng 7, theo Đại đức Tâm Kiên, lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên nên thực hiện ban ngày.

Còn lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội… nên cúng vào buổi chiều tối.

Giải thích thêm về điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, đây là theo quan niệm của dân gian, bởi ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mặt trời rất mạnh trong khi các cô hồn được "mở cửa ngục" thả ra rất yếu.

Vì thế, nếu cúng ban ngày, các cô hồn vì sợ ánh sáng, ánh nắng sẽ không dám đến đón nhận những đồ vật phẩm cúng bố thí của các gia đình.

Còn theo một vị Đại đức từng tham gia nhiều khóa lễ "mông sơn thí thực" hay còn gọi là lễ cúng chúng sinh, cô hồn cho biết thêm, thực tế, ở các chùa hay các nơi làm lễ này thường làm vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn.

"Vì theo quan niệm dân gian, buổi sáng, ánh nắng sẽ làm bạt, suy yếu các vong linh hồn còn khi đến tối, là thời điểm các vong linh hồn được tích tụ lại.

Do đó, cúng buổi tối thì các cô hồn này mới có thể dễ nhận nhận được đồ mà các gia chủ cúng cho", vị này nói.

Về thời gian cúng lễ cô hồn nên được thực hiện vào ngày nào, theo các chuyên gia, trước đây, theo quan niệm của dân gian thì từ đêm 14/7 đến 15/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng.

Tuy nhiên, gần đây, tùy theo sự lựa chọn, công việc mà các gia đình sẽ tự chọn việc cúng cô hồn của mình nhưng tất cả đều phải diễn ra trước 12 giờ đêm ngày 15/7.

Có nên cúng đồ mặn trong mâm cúng cô hồn?

Theo một số nhà nghiên cứu thì, đối với mâm cúng Phật thì chỉ được dùng các đồ chay như hoa quả, bánh kẹo, cháo trắng, xôi... còn với các mâm cúng ông bà, tổ tiên hay cúng cô hồn tháng 7 thì có thể cúng các đồ mặn.

"Thông thường, các gia đình thường chuẩn bị một ít tiền vàng mã, quần áo cúng cô hồn, một đĩa gạo, muối, hoa quả các loại. Cùng với đó là cháo trắng, bỏng ngô, kẹo, các loại củ như khoai lang, ngô, sắn luộc...

Bên cạnh đó là xôi được sắp thành đĩa hay đóng thành các oản xôi nhỏ và một miếng thịt lợn luộc nhỏ hay đĩa giò, thịt gà...

Nhiều gia đình còn sử dụng chính các đồ mặn cúng trong mâm cúng ông bà, tổ tiên trong gia đình cũng không sao cả", ông Tuấn Anh nói.

Cúng cô hồn xong cần làm gì?

me
Buổi cúng cô hồn kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã.

Buổi cúng cô hồn kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Ở nhiều địa phương, sau khi cúng xong, người dân thường cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn.

Văn khấn cúng cô hồn

Có thể đọc bài văn khấn dưới đây hoặc tụng nghi thức cúng thí thực cô hồn (cúng chúng sinh) trong Kinh Nhật tụng.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương,

Con lạy Đức Phật Di Đà.

Con lạy Bồ Tát Quan Âm.

Con lạy Táo Phủ Thần quân Phúc đức chính thần.

Tiết tháng 7 sắp thu phân

Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà

Âm cung mở cửa ngục ra

Vong linh không cửa không nhà

Đại Thánh Khảo giáo A Nan Đà Tôn giả

Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương

Gốc cây xó chợ đầu đường

Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang

Quanh năm đói rét cơ hàn 

Không manh áo mỏng, che làn heo may

Cô hồn nam bắc đông tây

Trẻ già trai gái về đây họp đoàn

Dù rằng: chết uổng, chết oan

Chết vì nghiện hút chết tham làm giàu

Chết tai nạn, chết ốm đâu

Chết đâm chết chém chết đánh nhau tiền tình

Chết bom đạn, chết đao binh

Chết vì chó dại, chết đuối, chết vì sinh sản giống nòi

Chết vì sét đánh giữa trời

Nay nghe tín chủ thỉnh mời

Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau

Cơm canh cháo nẻ trầu cau

Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh

Gạo muối quả thực hoa đăng

Mang theo một chút để dành ngày mai

Phù hộ tín chủ lộc tài

An khang thịnh vượng hoà hài gia trung

Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời

Bây giờ nhận hưởng xong rồi

Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần

Tín chủ thiêu hoá kim ngân

Cùng với quần áo đã được phân chia

Kính cáo Tôn thần

Chứng minh công đức

Cho tín chủ con

Tên là:....................................

Vợ/Chồng:...............................

Con trai:.................................

Con gái:..................................

Ngụ tại:...................................

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Những bài thơ về ngày lễ Vu Lan báo hiếu hay và cảm động nhất
Những bài thơ về ngày lễ Vu Lan báo hiếu hay và cảm động nhất
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Ngày lễ Vu Lan là ngày mà tất cả những người con hướng lòng biết ơn về cha mẹ. Cùng suy ngẫm qua những bài thơ về ngày lễ Vu Lan cảm động nhất.
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên ngày rằm tháng 7
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên ngày rằm tháng 7
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Bài viết sau sẽ hướng dẫn cho bạn cách chuẩn bị mâm cỗ cúng thần linh và gia tiên ngày rằm tháng 7 chuẩn xác nhất.
Các bài văn khấn cúng rằm tháng 7 ai cũng nên biết
Các bài văn khấn cúng rằm tháng 7 ai cũng nên biết
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Rằm tháng 7 lại về, các gia đình người Việt thường sắm lễ cúng tổ tiên, thần linh và đặc biệt là cúng bố thí cho các cô hồn thất cơ lỡ vận.
Lễ Vu Lan: Ai còn cha mẹ... xin đừng thờ ơ!
Lễ Vu Lan: Ai còn cha mẹ... xin đừng thờ ơ!
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Ngày lễ Vu Lan là dịp của tất cả những người con được báo hiếu cha mẹ nhưng sẽ có rất nhiều bạn trẻ không biết thể hiện tình cảm như thế nào.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Nguyễn Trà Mi