Vụ ngộ độc rượu ở Quảng Ninh, có dấu hiệu tội Giết người?

06:50, Thứ ba 10/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với việc sản xuất loại rượu là cồn công nghiệp có độc tính cao, cấm sử dụng trong ăn uống, có ý kiến đã cho rằng hành vi của người giản xuất rượu đã gián tiếp giết người. Bởi lẽ người sản xuất rượu biết và buộc phải biết rằng người uống phải lại rượu có “độc tố” này có thể dẫn đến tử vong nhưng vẫn cố tình sản xuất.

Liên quan đến 5 vụ ngộ độc rượu, làm 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người đã tử vong, xảy ra ở Quảng Ninh từ ngày 2 đến 8/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 244, Bộ Luật Hình sự.

Được biết kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ các vụ ngộ độc trên cho thấy hàm lượng methanol và ethanol trong rượu chiếm từ 80-98%, vượt từ 1.600 đến 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7044:2009). Đây là một loại cồn công nghiệp có độc tính cao, cấm sử dụng trong ăn uống.

Người bị ngộ độc rượu đang được điều trị tại BV.

Sau khi thông tin về việc khởi tố vụ án được công bố không ít ý kiến đã cho rằng cần phải khởi tố vụ án giết người đối với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Độc giả tên Trần Long (Hà Nội) cho biết: “Việc khởi tố vụ án vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có thỏa đáng không khi mà hành vi sản xuất rượu này là cố ý. Bởi lẽ người làm rượu chắc chắn phải hiểu được những độc tố trên là nguy hại cho con người. Biết có thể gây hậu quả chết người mà vẫn sản xuất và cho lưu thông ra thị trường thì là hành vi gián tiếp giết người”.

Cùng quan điểm với anh Trần Long, độc giả khác tên Tú (Quảng Ninh) bình luận: “Tôi cũng là người thi thoảng phải đi tiếp khác và uống rượu là điều khó tránh khỏi. Tôi không nghĩ hàm lượng cồn công nghiệp có độc tính cao gấp hàng nghìn lần như vậy mà họ vẫn nhắm mắt sản xuất vì lợi nhuận. Tôi cho rằng nếu chỉ khởi tố vụ án như hiện tại là quá nhẹ và chưa tương xứng.”

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này luật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh cho biết:

“Việc cơ quan công an khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm" theo Điều 244, Bộ luật hình sự là phù hợp. Tội "Giết người" theo quy định tại Điều 93, Bộ luật hình sự thì phải chứng minh được động cơ, mục đích "tước đoạt sinh mạng" của người phạm tội. Đây là một trong các yếu tố cấu thành tội phạm bắt buộc của tội danh này, bên cạnh yếu tố lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp).”

“Trong trường hợp này, theo nhận định của tôi thì đối tượng không có động cơ hay mục đích "tước đoạt sinh mạng" con người mà chủ yếu là vì lợi nhuận.” luật sư Hương nói thêm.

Khi được hỏi về mức hình phạt nếu nghi can bị khởi tố theo Điều 244, luật sư Phạm Thị Hương chia sẻ: “Theo quy định tại Điều 244, Bộ luật hình sự thì khung hình phạt cao nhất cho tội danh Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là từ 7 đến 15 năm tù giam đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hiện nay, chưa có hướng dẫn về tình tiết "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" đối với tội danh tại Điều 244, tuy nhiên nếu áp dụng tương tự pháp luật về tình tiết này đã được TAND tối cao hướng dẫn thi hành ở một số tội danh khác thì việc gây thiệt hại tính mạng cho 6 người có thể xem là tình tiết định khung "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Như chúng tôi đã đưa tin ngay sau khi phát hiện ra một số nạn nhân chết do nghi ngờ do sử dụng rượu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra thông báo khẩn cấp khuyến cáo người dân không mua, sử dụng loại rượu có nhãn ghi Rượu nếp 29 Hà Nội, không sử dụng các loại rượu, bia nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đồng thời lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân thu hồi hơn 6.400 can rượu loại 2 lít, nhãn hiệu Rượu nếp 29 Hà Nội tại kho của Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan cùng các cửa hàng bán lẻ, để phòng ngừa người tiêu dùng mua uống loại rượu này.

Ngày 8/12, Bộ Y tế tiếp tục phát đi thông báo khẩn về việc thu hồi 3 loại rượu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội vì có hàm lượng Methanlo cao, được cho là nguyên nhân của 5 vụ ngộ độc khiến 6 người tử vong.

Theo Cục An toàn Thực phẩm, 3 loại rượu có thể gây chết người là rượu nếp 29 Hà Nội, chai thủy tinh 750ml; ngày sản xuất: 12/10/2013; Vodka rượu nếp, chai thủy tinh 700ml, ngày sản xuất: 12/10/2013; Vang nổ đỏ, chai thủy tinh 750ml, ngày sản xuất: 12/10/2013 đã bị thu hồi trên toàn quốc.

Có truy tố một pháp nhân hay không?

 “Mặc dù hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam chưa có quy định về việc khởi tố, truy tố hình sự đối với các pháp nhân, tuy nhiên hoạt động của pháp nhân là do các cá nhân thực hiện và chịu trách nhiệm.

Trong vụ án này, trong quá trình điều tra làm rõ sự việc, cơ quan điều tra sẽ xác định trách nhiệm của từng cá nhân trong pháp nhân và sẽ tiến hành khởi tố, truy tố hoặc có hình thức xử lý khác phù hợp đối với từng cá nhân cụ thể, theo vai trò, mức độ hành vi của họ.”

                          Luật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: