Liên quan vụ nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi; ngụ thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) mang thai trong thời gian chờ thi hành án tại trại giam ở Quảng Ninh, trả lời trên báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng trong điều kiện nhiệt độ bình thường thì tinh trùng có thể sống được 2-3 giờ. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật và khoa học thì khả năng có thể mang thai do bơm tinh trùng theo hình thức thô sơ là rất thấp, chỉ dưới 1%. Ngay cả trong hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện chuyên khoa, trong điều kiện tinh trùng được bảo quản và bơm vào trứng với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật thì tỉ lệ thành công cũng dưới 50%.
Theo ông Tiến, rất dễ xác định cha của đứa trẻ nếu xét nghiệm ADN ngay ở giai đoạn bào thai, tuy nhiên việc chọc ối để lấy mẫu xét nghiệm ADN có thể dẫn đến nguy cơ sẩy thai, hỏng thai hoặc các nguy cơ khác liên quan đến sức khỏe mẹ và bé.
“Xét về mặt tình người, tôi cho rằng nên đợi sau khi đứa trẻ ra đời hãy tổ chức xét nghiệm ADN. Lúc đó việc xác định huyết thống của bé sẽ rất dễ dàng, có thể lấy mẫu niêm mạc miệng của em bé để đối chứng với mẫu tóc của những người liên quan, người có nghi ngờ” - ông Tiến cho biết.
Nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ.
Trước đó, một Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh cho biết theo lời khai ban đầu của những phạm nhân liên quan, tử tù Nguyễn Thị Huệ khai xin tinh trùng của một nhóm phạm nhân nam.
Tuy nhiên, đến khi sự việc vỡ lở thì mới chỉ có một mình phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng đứng ra nhận việc cho tinh trùng. Theo lời khai, trong tháng 8/2015, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon, kèm theo bơm tiêm và để vào nơi Huệ sắp đặt trước. Lợi dụng lúc được đi vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, Huệ đã lấy và bơm vào tử cung của mình.
Vì vậy, việc xét nghiệm ADN để xác định cha của em bé mà nữ tử tù đang mang thai sẽ giúp làm sáng tỏ lời khai của Hưng, Huệ có chính xác hay không, cũng như góp phần giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ việc.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Hà Nội) cho rằng, cái khó hiện nay là chưa có quy định về cưỡng chế để xác định ADN trong việc xác định “tác giả” đứa bé trong bụng nữ tử tù.
Theo Luật sư Toàn, trước mắt, hành vi mua bán tinh trùng của Huệ chỉ có thể bị xử lý hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, Nguyễn Thị Huệ sẽ bị xử phạt theo điểm a, khoản 2, điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP “Vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản”. Theo đó, “phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật”.
Tương tự, người bán tinh trùng cũng chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP như Nguyễn Thị Huệ chứ chưa có quy định xử lý hình sự.
Trong vụ việc này, theo luật sư Toàn, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh có thể khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ Luật Hình sự để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật đối với cán bộ quản giáo trông coi phạm nhân. Việc để xảy ra tình trạng nữ tử tù mang thai trong trại giam đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tạm giam, một chế định đặc biệt trong pháp luật hình sự. Và việc án bộ trại giam có thể bị quy tội danh nào phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra có làm rõ được hình thức để tử tù thụ thai hay không.
Vụ nữ tử tù Việt tự thụ thai rúng động truyền thông quốc tế (Xã hội) - (Phunutoday) - Không chỉ chấn động dư luận trong nước, vụ nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai khi đang thụ án trong trại giam đã lan trên nhiều báo quốc tế. |