Sáng 16/3, cha mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến (bị can trong vụ án thảm sát Bình Phước) là bà Vũ Thị Thi và ông Vũ Duy Hiền đã gặp luật sư Lê Văn Nam (người nhận lời bào chữa miễn phí cho Tiến) để trao đổi về phiên xử phúc thẩm sắp tới.
Biết con mình nhận bản án tử hình sau khi cùng Nguyễn Hải Dương ra tay sát hại 6 người trong một gia đình ở Bình Phước, mẹ Vũ Văn Tiến đã ròng rã nhiều tháng xin người dân ký tên, thỉnh cầu tòa giảm án.
Lá đơn kêu cứu kèm chữ ký của khoảng 10.000 người dân trên cả nước xin cho Tiến một con đường sống. Những chữ ký này do gia đình Tiến đi xin, một số trường hợp tự nguyện tìm đến ký tên.
Trước đó, mẹ của Vũ Văn Tiến cũng có đơn đệ lên Chủ tịch nước với mong muốn xin tha tội chết cho con.
Ngày 21/3 sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ thảm án Bình Phước |
Thông tin hàng nghìn người ở nhiều địa phương ký tên xin giảm án cho Vũ Văn Tiến trước phiên xử Phúc thẩm, nhiều người đặt dấu hỏi về việc đây có phải là căn cứ giảm án cho Tiến hay không?
Trả lời về vấn đề này, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hằng (Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật, Hà Nội) cho rằng: Hành động của mẹ Tiến là đáng trân trọng, là tình yêu chân thật của người mẹ dành cho con. Nhưng pháp luật phải dựa trên các quy định chung. Đành rằng có hàng nghìn chữ ký xin giảm án cho Tiến. Nhưng thử giả thiết nếu có người xin chữ ký để y án tử hình Tiến và Dương thì sẽ có bao nhiêu ngàn chữ ký đây?
Bị cáo Tiến có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt ở cấp Phúc Thẩm. Tuy nhiên, căn cứ để Tòa án cấp Phúc Thẩm chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo phải dựa trên các tình tiết mới mà từ các tình tiết mới đó đủ cơ sở để giảm hình phạt cho bị cáo.
Những người cho chữ ký xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tiến hầu hết là những người không liên quan trực tiếp đến vụ án, vì tình cảm, vì lòng “trắc ẩn” mà cho chữ ký. Do đó, đây không phải tình tiết mới của vụ án và không là căn cứ để giảm nhẹ hình phạt theo luật định.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cũng thông tin thêm, chữ ký người dân xin giảm án cho bị cáo không có trong danh mục các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 46 quy định: Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Tùy vào từng phiên tòa mà HĐXX sẽ xem xét chữ ký xin giảm án của người dân có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không.
Theo nội dung vụ án, do bị bạn gái là Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước) chia tay nên Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) nảy sinh ý định trả thù. Dương rủ Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long) tham gia và người này đồng ý. Tuy nhiên, sau đó Thoại sợ nên rút lui nhưng vẫn mua thêm dao cho Dương gây án. Rạng sáng 7/7, Dương cùng Tiến đột nhập vào nhà Linh và giết 6 người trong gia đình cô gái này. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 17/12, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) tử hình, Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) tử hình và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) 16 năm tù cùng về tội Giết người, Cướp tài sản. Một tuần sau, luật sư Lê Văn Nam (người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến) xác nhận, thân chủ của ông đã làm đơn kháng cáo xin giảm án tử hình lên TAND cấp cao tại TP HCM. |
10.000 người ký tên xin giảm án tử cho Vũ Văn Tiến (Xã hội) - (Phunutoday) - Ngày 21/3 tới đây, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước sẽ diễn ra. Gia đình bị cáo Tiến đã đi xin chữ ký mong giảm án cho con. |