Công an hướng dẫn cách ứng phó khi có trộm đột nhập

08:00, Thứ năm 10/12/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi phát hiện ra trộm, không phải tài sản mà chính tính mạng của mình và người thân mới là điều bạn cần chú ý giữ đầu tiên.

Các phương thức đột nhập của bọn trộm

Phân tích các vụ trộm đột nhập xảy ra gần đây, chỉ huy Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) cho rằng, thủ đoạn phạm tội của kẻ gian không có gì mới, nhưng các vụ án xảy ra vẫn khá nhiều. 

Trộm thường đột nhập vào nhà đêm khuya hoặc khi phát hiện nhà vắng chủ, nhà không khóa cửa ra vào, cửa tum, cửa sổ, hoặc khóa không cẩn thận. Chúng dùng các loại đồ nghề dễ dàng tìm thấy trên thị trường để phá cửa, từ cửa cuốn, cửa kính, hay bẻ song sắt cửa sổ, cửa sắt.

Trộm cũng có thể lợi dụng địa hình, địa vật tại chỗ như cây, cột điện, tường nhà hàng xóm, lỗ thông gió để leo trèo đột nhập vào nhà.

Công an hướng dẫn cách ứng phó khi có trộm đột nhập
 

Cách phòng tránh tối đa việc trộm đột nhập vào nhà

Công an Hà Nội cảnh báo, trong bất kể hoàn cảnh nào, để kẻ gian lọt vào nhà sẽ gặp nguy hiểm khó đoán. Do vậy, người dân nên chủ động phòng hơn là học cách đối phó.

Chỉ ra những sơ hở trong việc thiết kế hệ thống cửa, chỉ huy Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu cảnh báo, nhiều nhà dân đang chuộng làm cửa sắt nghệ thuật, hàn ghép từ những miếng sắt mỏng, ngắn. Loại cửa này, kẻ gian cầm cờ lê bẻ gẫy dễ, hoặc dùng kích ôtô bẩy bung các miếng sắt mỏng, từ đó đột nhập. 

Khi làm cửa sắt, cảnh sát khuyên người dân nên yêu cầu thợ hàn nối chắc chắn những thanh liền với nhau sẽ rất khó bẻ. Trong cửa sắt, nên lắp thêm cửa gỗ, không nên lắp cửa gỗ có ô kính.

Công an hướng dẫn cách ứng phó khi có trộm đột nhập
 

Để phòng ngừa trộm đột nhập về đêm, cơ quan công an khuyến cáo, trước khi đi ngủ, người dân phải khóa cửa tum, cửa ban công, nếu có điều kiện hãy nuôi chó để trông nhà.

Ban công các tầng nhà nên lắp “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn. Khi làm, hãy yêu cầu thợ để cửa phụ để phòng khi gặp hỏa hoạn.
Với các gia đình sống trong biệt thự nên thuê bảo vệ, lắp hệ thống chống trộm bằng tia hồng ngoại. Người dân cũng có thể lắp đèn cảm ứng quanh nhà, khi ngủ bật lên, nếu có người lạ xâm nhập, đèn sẽ bật sáng, trộm do vậy có thể sợ bỏ đi.

Qua khám nghiệm hiện trường các vụ trộm, cảnh sát nhận thấy, tai khóa cửa sắt cũng là một “điểm yếu” mà trộm hay bẻ. Các loại tai khóa mỏng, kẻ gian dùng cờ lê cũng dễ dàng bẻ gẫy.

Ứng phó như thế nào khi trộm đột nhập vào nhà?

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, để trộm lọt vào nhà rất khó ứng phó, bởi chúng luôn là người chủ động, trong tay có hung khí và sẽ kháng cự đến cùng để thoát thân. 

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự gợi ý một số kỹ năng ứng phó, đối mặt với trộm đột nhập. Tuy nhiên, cảnh sát một lần nữa nhấn mạnh, hãy chủ động phòng ngừa trước.

- Không nên một mình đánh lại trộm vì nhiều tên sẽ mang hung khí gây nguy hiểm. Hãy vào phóng kín, khóa chặt cửa, gọi báo công an, người thân hoặc hô hoán hàng xóm đến ứng cứu.

- Khi trộm đã vào phòng mà bạn phát hiện ra, hãy giả vờ ngủ và coi như không biết đến sự tồn tại của hắn để bảo đảm an toàn tính mạng.

Công an hướng dẫn cách ứng phó khi có trộm đột nhập
 

- Trường hợp đi làm về nhà, hay trong đêm ngủ dậy phát hiện nơi ở có dấu hiệu bị lục lọi, nghi vấn đột nhập, đừng chạy đi tìm, lùng sục bắt trộm. Hãy bình tĩnh, báo cho người nhà để cùng trốn vào một phòng, khóa chặt cửa rồi gọi báo công an, người thân, hàng xóm hỗ trợ. Nếu có đông người, hãy tìm những vật dụng có thể tấn công, bắt trộm.

- Nếu bạn đã vào trong cổng mới phát hiện có dấu hiệu khác thường, hãy giả vờ là khách hỏi thăm chủ nhà rồi đi báo người hỗ trợ và công an.

- Khi bị trộm khống chế, cần làm theo yêu cầu của chúng, bình tĩnh, cố gắng nhớ nét mặt, nghe giọng nói, đặc điểm riêng để phục vụ điều tra.

-  Không nên tiếc tài sản mà kháng cự kẻ trộm có hung khí, vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hãy bình tĩnh, làm theo yêu cầu của chúng để bảo vệ tính mạng của chính mình.

- Nếu nghi ngờ trộm là người quen, nên vờ như không quen chúng, đừng chủ động gọi tên vì tội phạm có thể sinh tâm lý giết người diệt khẩu.

- Hạn chế cho người lạ, không thân thích ngủ trong nhà. Trường hợp bất khả kháng, hãy cho họ thấy sự xuất hiện của của mình được nhiều người khác biết đến. Trước mặt họ, hãy mời hàng xóm sang nhà chơi, gọi điện báo cho người thân biết về việc có khách xin ngủ nhờ tại nhà… nhằm ngăn chặn ý đồ của những kẻ xấu.

- Trong tình huống phát hiện ra trộm và nhận thấy mình có thể tự vệ, trước tiên tỏ ra hợp tác. Nhân lúc kẻ trộm cướp sơ hở, có thể bấm chuông báo động, cầm vũ khí tấn công, nếu không có hung khí thì nhân lúc đối tượng không để ý dùng tay chọc mắt, đá vào bộ hạ, cẳng chân (ống đồng) thật mạnh. 

- Nếu đã bắt được trộm đừng bao giờ cố đánh chúng đến chết, bởi lúc đó, bạn sẽ mắc tội giết người. Khi bạn đã bắt được trộm, hãy khống chế bằng cách trói chân, trói tay, sau đó kiểm tra xem trong người trộm có hung khí hay không rồi tước bỏ vũ khí. Bạn cũng không nên nóng vội lấy lại hết những thứ nó ăn cắp của mình, hãy để cơ quan chức năng đến lập biên bản, như thế sẽ thuyết phục hơn. 

Côn đồ vào nhà dân cố thủ đánh người dã man, ăn vạ không đi
Côn đồ vào nhà dân cố thủ đánh người dã man, ăn vạ không đi
(Xã hội) - (Phunutoday) - Số nhà 540 Ngọc Lâm, Long Biên những ngày qua bị nhóm côn đồ xông vào phá hoại tài sản và cố thủ, gây thương tích cho thành viên trong gia đình.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành