Lê Thị Hương (ngụ phường 12, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện là sinh viên năm 3 khoa Dược, Đại học Y dược TP HCM và năm cuối khoa Công nghệ sinh học, Đại học Công nghiệp TP HCM.
Bên cạnh việc học, nữ sinh còn mở công ty sản xuất và chế biến các loại nấm dược liệu theo công nghệ cao.
Nữ sinh Lê Thị Hương chăm sóc trại nấm. Ảnh: Ngọc An.
Trang trại sản xuất nấm được Hương xây dựng trên khu vườn rộng 1ha của người thân tại xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Theo cô, vùng đất này có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với sự phát triển của các loại nấm.
Với 12 trại, phòng thí nghiệm, cô đang trồng, chế biến nấm linh chi Nhật Bản, linh chi Hàn Quốc và các loại nấm thực phẩm cung cấp cho thị trường trong vùng.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghiệp trồng nấm, cô gái 23 tuổi thổ lộ: 'Hồi còn nhỏ, mình rất thích tìm hiểu và trồng thử các loại nấm. Hơn nữa, mẹ mình bị bệnh, phải mua linh chi làm thuốc với giá đắt nên mình luôn có dự định tự trồng loài cây này'.
Cuối năm 2013, khi có kiến thức cơ bản về nấm và dược liệu, cô gái quyết định bắt tay vào thực hiện ước mơ.
'Lúc đó, mình làm liều. Cha mẹ cho 20 triệu đồng mua xe máy nhưng mình đã dùng số tiền đó 'rót' vào dự án. Không đủ, mình chạy vạy ngược xuôi, vay mượn bạn bè, người thân để làm', Hương kể lại.
Việc đầu tư vào trang trại tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng cha mẹ Hương không hề hay biết.
Bà Trần Thị Giang - mẹ Hương - cho hay: 'Hương giấu kín việc kinh doanh. Năm 2014, khi lên thăm người thân tại xã Đông Hòa, thấy trại nấm của con, tôi mới ngã ngửa'.
Nấm dược liệu được Lê Thị Hương sản xuất, chế biến theo công nghệ hiện đại. Phôi giống cô nhập từ Mỹ, Nhật Bản... rồi nhân hàng loạt theo quy trình khoa học chặt chẽ.
Để tạo thương hiệu và hoạt động chuyên nghiệp, giữa năm 2014, nữ sinh 23 tuổi hoàn tất thủ tục, thành lập Công ty TNHH nấm Phương Quang. Kể từ đó, Hương trở thành nữ giám đốc trẻ, điều hành mọi hoạt động kinh doanh.
Quy trình sản xuất nấm được Hương chú trọng phát triển theo hướng đảm bảo chất lượng, sạch, an toàn. Do vậy, hệ thống phòng thí nghiệm, máy móc, nhà lưới đều được hiện đại hóa.
Quá trình sản xuất thực hiện theo chuỗi khép kín từ khâu phối giống đến nuôi trồng, chế biến. Sau khi thu hoạch linh chi, nguồn phế thải sẽ được Hương tận dụng làm nguyên liệu bịch phôi để sản xuất các loại nấm ăn.
Theo nữ giám đốc trẻ, hiện tại, cô sản xuất thành công linh chi đỏ, linh chi hồng, nấm vân chi. Đồng thời, chế biến bột và phấn nấm linh chi đáp ứng nhu cầu dược liệu cho thị trường.
Cùng với việc sản xuất, chế biến nấm dược liệu, cô gái 23 tuổi còn mở các đại lý phân phối sản phẩm tại TP HCM, TP Vũng Tàu, Đà Nẵng…
'Mình đang cố gắng tạo sản phẩm tốt, chất lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiện tại, những sản phẩm nấm của mình được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua hệ thống các công ty trung gian.
Từ việc xuất bán sản phẩm và giống, mỗi tháng mình lãi gần 70 triệu đồng', Hương tiết lộ.
Ông Trần Hồng Thủy - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Đông Hòa (Trảng Bom) - cho biết: 'Lê Thị Hương là hội viên của hội nông dân xã.
Tuổi trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng chiến lược kinh doanh của Hương rất rõ ràng, thu nhập cao. Mô hình sản xuất nấm dược liệu theo công nghệ cao có hướng phát triển tốt.
Thời gian qua, chúng tôi tổ chức cho nông dân tới trại nấm của Hương để tham quan, học hỏi'.
Bị phụ tình, thiếu nữ ra tòa đòi bạn trai tiền…'sống thử' (Xã hội) - (Phunutoday) - Bị phản bội, cô gái ra tòa kiện đòi gã trai họ Sở đền bù tiền 'sống thử' suốt 3 năm với giá 100.000 đồng/ngày. |
Bầy quạ tinh ranh “đánh hội đồng” cướp cá trong miệng diệc trắng (Khám phá) - (Phunutoday) - Một con quạ tinh ranh phát hiện diệc trắng bắt được con cá ngon. Nó nhanh chóng gọi cả bầy đến đánh hội đồng diệc trắng để cướp cá. |