Chưa tìm ra tên hóa chất lạ ngâm rau muống cho xanh
Sáng 11/1, liên quan đến việc xử lý vụ “Dùng hóa chất ngâm xanh rau muống”, ông Dương Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho hay: “Hiện chúng tôi chưa xác định đây là hóa chất gì nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể về mức độ xử lý”.
Theo ông Trọng, do hóa chất dùng để ngâm rau muống không rõ nguồn gốc xuất xứ nên việc phân tích mẫu, xác định đây là chất gì đang gặp nhiều khó khăn: “Có nhiều chất do không rõ thuộc nhóm chất gì nên nếu đưa đi phân tích thì cũng rất khó xác định được.
Thường thì mình phải biết đó là nhóm chất gì thì mới có thể đặt hàng cho các đơn vị phân tích theo các chỉ tiêu liên quan. Ví vụ như muốn biết mẫu rau muống có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không thì mình yêu cầu họ phân tích theo danh mục các chất đó” - ông Trọng chia sẻ.
Rau muống ngâm hóa chất xanh mơn mởn |
Trên thực tế việc xác định các hóa chất dùng để ngâm cho xanh rau, hay hóa chất bảo quản, làm nhanh chín hoa quả… cũng rất khó khăn. “Năng lực của phòng thí nghiệm của chúng tôi có hạn nên có nhiều chất “dò” không ra. Ngay cả các đơn vị chuyên phân tích mẫu cũng khó xác định được các hóa chất lạ đó là chất gì, mức độ nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng ra sao. Chúng tôi thường chỉ xử lý dựa vào danh mục các chất không có trong danh mục cho phép hay chất cấm, còn các hóa chất lạ thì rất khó…”.
Chưa rõ mức độ gây hại của rau muống tưới nhớt
Về vụ người dân dùng nhớt thải để tưới rau muống, một trạm trưởng trạm bảo vệ thực vật (thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM) giải thích: “Mục đích của việc tưới nhớt nhằm diệt rầy nâu bám gốc và được sử dụng cho các ruộng rau muống đã thu hoạch xong, chỉ còn gốc rau. Họ cho nước vào ngập gốc rau muống sau đó tưới nhớt và dùng lưới hay tấm bạt kéo ngang qua cho con rầy rớt khỏi gốc rau. Khi thấy rầy rớt ra nhiều họ xả nước ra khỏi ruộng để cuốn rầy đi”.
Lọ đựng nhớt thải bị bỏ lại trên ruộng rau |
Vị này cũng nói rằng: Không có câu trả lời về việc nhớt thải có thẩm thấu vào rau và gây hại cho người sử dụng vì chưa có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Chỉ biết, trong nhớt thải có nhiều kim loại nặng, có chất độc hại như chì… nên không được phép sử dụng.
Như tin tức đã đưa trước đó, sáng ngày 9/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP HCM bắt quả tang bà Chu Thị Lam chủ ruộng rau muống tại ấp 8 xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP HCM) đang có hành vi đổ nhớt thải xuống ruộng rau.
Theo các chuyên gia nông nghiệp việc tưới nhớt lên rau muống nhằm kích thích sự tăng trưởng của chúng, nhưng lại gây ra tồn đọng chất độc dễ thấm vào cơ thể của người dùng.
Còn tối 8/1, Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM cũng đã có mặt tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi để kiểm tra các cơ sở thu gom rau muống. Tại đây phát hiện bà Nguyễn Thị Hiên (tạm trú tại ấp 5) cho ngâm rau muống vào hóa chất. Cơ quan chức năng lập biên bản và thu giữ hai thùng hóa chất màu xanh. Theo bà Hiên, việc ngâm hóa chất nhằm rau tươi lâu và xanh hơn.
Những thành phố ô nhiễm khủng khiếp nhất trên trái đất (Xã hội) - (Phunutoday) - Bạn có dám sống tại một trong những thành phố có mức ô nhiễm nặng nề nhất trên thế giới này không? |