Cứ mỗi khi trời mưa lớn, nỗi lo về tường nhà bị nứt, thấm nước trở thành đề tài số 1 trên các diễn đàn, cộng đồng...Thế nên Phunutoday.vn sẽ chỉ dẫn cho quý độc giả những cách phòng chống hữu hiệu nhất để các bạn có thể yên tâm hơn về ngôi nhà của mình.
Các nguyên nhân chính:
- Thấm nước từ trên mái xuống: Nguyên nhân phần lớn ở các vị trí ống thoát nước sàn, hộp kỹ thuật, các góc tường, giáp lai tường nhà, rãnh nước trên sàn mái. Nước, hơi ẩm sẽ từ dưới qua các vết rạn nứt chân chim, nứt cổ trần, mao mạch rỗng của tường xuống bên dưới.
- Thấm nước từ sàn nhà vệ sinh: Cũng bắt nguồn chủ yếu từ vị trí ống thoát nước sàn, hộp kỹ thuật, chân tường rạn nứt.
- Thấm do nứt cổ trần: Thường các vết rạn cổ trần rất to nên nước mưa dễ dàng chảy vào, lâu ngày sẽ gây thấm tường trên diện rộng.
- Tường ngoài rạn nứt chân chim
- Do tắc, hoặc thủng đường ống nước
Ảnh minh họa |
Những giải pháp đơn giản nhất
Ông bà ta vẫn thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do đó các bề mặt tường tiếp xúc với hướng khí hậu khắc nghiệt nên dùng biện pháp che chắn như tạo màng cây xanh leo có kết hợp vòi phun nước, giúp cho về mặt tường không bị co ngót đột ngột do thay đổi nhiệt độ. Đối với khu vực mái bằng, phải tính toán phân thủy hợp lý với các khoảng đánh dốc không quá dài, bố trí nhiều rãnh và lỗ thu nước. Hạn chế các chướng ngại vật làm cản hướng thoát nước trên mái như cột trang trí, bồn hoa…
Khi thấy xuất hiện vết ố bên dưới của các cấu kiện trên máng xối, ô văng, sân thượng… cần tô vữa trộn phụ gia chống thấm cho mặt trên. Khi lòng máng xối quá nông, nước có khuynh hướng tràn ngược lên phía trên mái, phải đục một vài lỗ tràn to ngay dưới vị trí nguy hiểm. Nên quét sơn lại các đầu đòn tay để tránh mục hay han gỉ…
Với tường thầm nước, giải pháp được xem là đơn giản nhất và được nhiều người sử dụng nhất hiện nay là dùng sơn chống thấm. Sơn chống thấm có nhiều loại phù hợp với các bề mặt khác nhau, từ những chất phụ gia chống thấm pha vào xi măng trộn khi đổ bê tông, đến những chất chống thấm sàn dạng dẻo phủ lên bề mặt sân thượng, sàn nhà vệ sinh trước khi lót gạch, sơn nước chống thấm gốc xi măng giúp tiết kiệm chi phí đối với những vách tường không cần thiết đến sự thẩm mỹ cao, sơn chống thấm sinh hóa, sơn nước trang trí, hay những loại keo silicon để hạn chế những khe hở cửa, lỗ đinh… Trong đó, sơn nước chống thấm vừa là một trong những giải pháp chống thấm tường đơn giản, vừa có tính năng tạo nét thẩm mỹ của công trình.
Với, thấm dột trần nhà: Đối với nhà chung cư nếu bị thấm dột từ trần nhà là do khu vực nhà vệ sinh, ống thoát nước của căn hộ ở tầng trên có rò rỉ. Trong trường hợp này phải xử lý ngay bằng cách đập bỏ lớp gạch của khu vực bị thấm, phủ lên bề mặt bằng một lớp sợi thủy tinh và keo chống thấm, sau cùng trám một lớp xi măng và lát gạch lại như cũ. Đối với nhà ở thông thường, trên những mái nhà bị thấm dột, có thể áp dụng một số biện pháp như trám bít các vết nứt trên máng xôi, ô văng, sân thượng bằng hỗn hợp vữa gồm xi măng, cát và chất chống thấm với độ dày ít nhất 1 cm, đồng thời kiểm tra các ống thoát nước không cho nước thoát thẳng vào đỉnh, mặt tường hoặc các chỗ nối giữa mái, tường và cửa sổ. Nguyên nhân của việc thấm dột mái còn do các máng xối có lòng cạn, khi đó phải thay mới máng xối có lòng sâu hoặc đục thêm lỗ thoát nước dưới vị trí bị tràn.
Tường nhà cũ, thấm nước
Theo thời gian, lớp sơn bảo vệ bên ngoài của tường bị bong tróc, rêu mốc hoặc tường bị rạn nứt, lâu ngày nước mưa và hơi ẩm theo các vết nứt nhỏ thẩm thấu vào trong tường làm ảnh hưởng đến cấu trúc và tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Cách khắc phục đơn giản là phải cạo sạch sơn bị bong tróc hay bột bụi, sau đó dùng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc để rửa sạch khu vực bị thấm. Dùng vữa để trám các lỗ hổng và vết nứt lớn, làm phẳng bề mặt bằng bột chuyên dùng dành cho tường ngoài trời, sau đó dùng các loại sơn chống thấm để xử lý. Để đạt hiệu quả tốt nhất phải đảm bảo cho bề mặt cần sơn được sạch sẽ, khô thoáng và độ ẩm tường dưới 16%. Sau khi chuẩn bị tốt bề mặt thì phủ một lớp sơn chống kiềm, chờ sơn tự khô rồi phủ 1-2 lớp chống thấm lên trên.