Các lưu ý khi chăm sóc trẻ lúc trời nồm

14:33, Thứ sáu 07/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi trời nồm, không khí ẩm ướt khiến cho trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh. Hãy lưu ý các điểm sau khi chăm sóc trẻ nhé!

Không nên đưa trẻ ra ngoài trời

Do trời nồm, người lớn thường có cảm giác nóng bức ngay từ buổi sáng nên nghĩ rằng trời ấm có thể cho trẻ ra ngoài. Tuy nhiên, thực tế ngoài trời vẫn se lạnh, có nhiều mây mù, ẩm ướt rất khó chịu. Buổi trưa khi nắng lên trẻ cũng dễ bị mệt. Do đó, trong những ngày này, tốt nhất là không nên đưa trẻ ra ngoài nhiều, vì ngoài đường không khí ẩm ướt, bụi bặm càng khiến trẻ dễ bị tái phát cơn hen, mắc các bệnh về đường hô hấp. Không để trẻ nhỏ đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt, mặc quần áo ẩm…

chăm sóc trẻ

Các bác sĩ cho biết hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng trẻ chỉ bị bệnh khi có dấu hiệu sốt. Đây là một quan điểm sai lầm, nó chỉ đúng với trẻ lớn. Bởi với trẻ nhỏ, biểu hiện bệnh rất thầm kín, dễ bị bỏ qua, ngay cả khi bị bệnh nặng nhưng không hề sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.

Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ

Cha mẹ hãy kiểm tra xem trẻ có bị vã mồ hôi lưng hay lạnh không để điều chỉnh mặc quần áo cho thích hợp. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi thấy trẻ lên cơn hen thông thường… vì thuốc kháng sinh càng khiến trẻ bị bệnh nặng hơn.

Thường xuyên rửa tay cho trẻ

Nếu người lớn trong nhà có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế tiếp xúc với trẻ và cũng cần chữa trị sớm để không lây sang cho trẻ. Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản, giữ trẻ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh để tránh lây truyền cho người khác. Để phòng bệnh cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ nhỏ, đeo khẩu trang khi đi đường và đến chỗ đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và tăng cường uống nước để nâng cao sức đề kháng.

Đưa trẻ đi khám

Các chứng bệnh đường hô hấp đều diễn tiến rất nhanh. Để phòng bệnh, cha mẹ khi thấy trẻ ho, sốt... cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm các loại vaccine phòng bệnh. Nếu trẻ ốm nên cho trẻ nghỉ học, vừa để chăm sóc vừa để tránh lây lan trong nhà trẻ, trường học. Nền nhiệt độ nồm ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, vì vậy, cha mẹ khi cho con đi học cần tính toán sao cho buổi sáng mặc ấm, tới trưa mặc mát để tránh bị đổ mồ hôi, thấm ngược làm trẻ cảm lạnh.

Đặc biệt cần chú ý đến những trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ. Vì ngoài những nguy cơ do môi trường, thời tiết, thì ở trên lớp học, trẻ còn thêm nguy cơ do phải tiếp xúc với nhiều người. Có những trẻ thì biểu hiện bệnh ra ngoài, nhưng cũng nhiều trường hợp trẻ ủ bệnh chưa biểu hiện ra, tiếp xúc gần với các trẻ này nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp là rất cao.

Vệ sinh đồ dùng hằng ngày sạch sẽ

Với những đồ dùng mà trẻ thường sử dụng, cần làm vệ sinh thường xuyên, phơi, sấy khô quần áo, khăn mặt. Ban đêm độ ẩm tăng cao, trong phòng ngủ của trẻ nên có máy hút ẩm hoặc điều hòa 2 chiều.

Dùng máy hút ẩm là tốt nhất

chăm sóc trẻ

Trong những ngày trời nồm, bạn có thể dùng điều hòa, máy hút ẩm, máy sưởi để làm bớt ẩm. Tuy nhiên, nếu dùng máy điều hòa ở chế độ hút ẩm thì nhiệt độ phòng lại giảm, gây se lạnh. Dùng máy hút ẩm thì nhiệt độ trong nhà không đổi so với nhiệt độ ngoài trời, nền nhiệt vì thế không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, không nên mở toang cửa cả ngày trong điều kiện trời nồm vì càng mở cửa, gió càng lùa vào mang theo hơi nước khiến nhà thêm ẩm ướt. Theo đó, chỉ nên mở cửa vài tiếng (không mở vào lúc sáng sớm và buổi tối để tránh bị nhiễm lạnh) cho không khí mới vào rồi đóng cửa lại và dùng máy hút ẩm.

Cách làm khô nhà, giặt quần áo nhanh khô khi trời nồm

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự