Dạy bé cách lịch sự

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hãy chú ý dạy trẻ cách cư xử lịch sự.

Trẻ không chú ý phép xã giao nếu như không hiểu tầm quan trọng của nó. Hãy nói rằng nếu con đối xử không tốt với mọi người xung quanh thì họ sẽ không yêu thích, không muốn chơi chung nữa. Như thế, con sẽ rất buồn chán.

Bố mẹ hãy làm gương tốt cho trẻ. Đừng mong con cái 5 tuổi có hành vi đẹp nếu như bạn làm điều xấu trước mắt nó. Trẻ con bắt chước rất nhanh, kể cả thói xấu của người lớn. - Cần có thái độ đúng đắn: Nếu con thô lỗ ngắt lời người lớn thì bạn phải nhắc nhở ngay, biểu lộ thái độ không hài lòng. Thấy cha mẹ im lặng, trẻ cứ nghĩ cử chỉ đó không có gì sai trái và mặc nhiên chấp nhận. Trong trường hợp con làm bạn xấu hổ trước bạn bè thì phải nhắc nhưng với thái độ bình tĩnh. Cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao nó lại như vậy, tuyệt đối không được nóng giận, mắng chửi hay đánh đập trẻ.

Đừng ngồi đợi những hành vi xấu của con diễn ra mới phê phán, bắt nó sửa chữa. Mọi chuyện đều có thể thay đổi nếu như chúng ta luôn tạo cho con cái niềm tin rằng chúng là một cô bé (cậu bé) ngoan ngoãn, lễ phép và rất đáng yêu.

Thái độ cư xử trong các nhà hàng, bữa tiệc:

dạy trẻ lịch sự

Dạy trẻ cách sử dụng thìa, dĩa, gia vị sao cho đúng:

Bọn trẻ thường rất tò mò, hiếu động, việc chúng thích khám phá hay nghịch ngợm các loại món ăn, gia vị sẽ khiến những vị khách trong cùng một bàn ăn cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng. Được đi ăn uống tại các nhà hàng sẽ là cơ hội tốt để dạy cho bọn trẻ cách cư xử lịch sự trên bàn ăn. Hãy hướng dẫn cho chúng làm thế nào để sử dụng các loại thìa, nĩa, dao cùng việc nêm những loại gia vị thế nào sao cho phù hợp. 

Lựa chọn món ăn

Ban đầu, trẻ chưa thể hình dung về những món ăn đã ghi sẵn ở trên menu hoặc thậm chí là cả những món ăn mà chúng đã gọi. Hãy gợi ý và giúp trẻ trong vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc thay đổi các món ăn sẽ làm tốn thời gian mà mất công sức của những người phục vụ cho dù ở bất cứ nhà hàng nào, khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” luôn được đặt lên hàng đầu. Cách gọi món ăn cũng là cách thể hiện sự tôn trọng những người quanh mình.

Ngồi yên một chỗ

Ở một số nhà hàng, người ta còn “chiều lòng” bọn trẻ bằng việc đưa cho chúng những tập giấy trắng và màu vẽ để bọn trẻ tha hồ thể hiện tài năng trong lúc chờ đợi bữa ăn. Bạn có thể trò chuyện với con để chúng không cảm thấy chán nản và rơi vào cảm giác “không còn cái gì để làm”. Khoảng thời gian này cũng chính là cơ hội cho gia đình bạn xích lại gần nhau hơn.

Chỉ được nói khẽ

Nếu muốn nói, hãy trao đổi thật nhẹ nhàng, từ tốn. Trẻ cần hiểu được rằng, xung quanh bàn ăn nó đang ngồi còn rất nhiều khách khứa ở các bàn khác. Họ cũng cần không gian riêng để trao đổi, bàn bạc hay trò chuyện với nhau mà không bị làm phiền. Thêm nữa, hãy dạy trẻ cả cách không nên bắt đầu cuộc đối thoại trong lúc miệng còn đầy thức ăn.

Khi đến thăm nhà bạn

Tôn trọng những nội quy của chủ nhà

dạy trẻ lịch sự

Cho dù những người chủ luôn nồng nhiệt và dặn bạn “cứ tự nhiên” nhưng cũng đừng vì thế mà tỏ ra khá thoải mái. Khi đưa con đến chơi nhà bạn, hãy nhắc nhở cháu những gì được hoặc không được phép làm để con không bị coi là một đứa trẻ hư.

Đưa ra những lời ngợi khen đúng chỗ

Hãy dạy trẻ khi nhận thấy một điều gì đó thật khác biệt và không vừa ý, hãy biết kiềm chế và đừng cố tỏ ra chê bai. Thái độ ấy của trẻ sẽ chỉ làm cho chủ nhà thêm bối rối và tạo ra một không khí căng thẳng trong gia đình.

Yêu cầu chứ không phải ra lệnh

Nếu muốn một điều gì đó, trẻ nên hỏi ý kiến chủ nhà. Thay vì “ra lệnh” theo kiểu “Cháu muốn chơi đồ chơi” thì trẻ có thể nói là “Cháu chơi đồ chơi có được không ạ”. Tuy nhiên, nếu yêu cầu không được đáp ứng, trẻ cũng đừng vì thế mà tỏ ra khó chịu. Hãy tôn trọng quyết định của chủ nhà.

Có trách nhiệm

Mỗi khi chơi hoặc ăn xong, trẻ cần phải tự biết thu dọn, sắp xếp đồ chơi, bát đũa của mình, không nên để người lớn phải “can thiệp” sau mỗi hoạt động của trẻ. Chủ nhà sẽ đánh giá cao cử chỉ ấy và sẽ không ngại ngần khi mời trẻ tới chơi nhà vào những lần sau.

Cảm ơn chủ nhà

dạy trẻ lịch sự

Một món quà (dù chỉ là hộp bánh) cũng được coi là cử chỉ lịch sự hơn là việc “mang tay không” đến chơi nhà bạn. Trước khi ra về, hãy nhắc con nói lời cảm ơn vì tất cả những gì chủ nhà đã dành cho bọn trẻ khi chúng đến chơi nhà.

Ở các phương tiện giao thông công cộng

Bọn trẻ luôn luôn hiếu động và rất thích đứng ở cửa ra vào của xe bus,  nơi có những thanh bám và đèn bấm. Hãy dặn trẻ ngồi vào vị trí của mình để không làm phiền những người lên xuống xe, đồng thời cũng tránh được các tình huống nguy hiểm mỗi khi xe đi qua chỗ sóc hoặc dừng lại đón trả khách. Để khuyến khích con ngồi yên một chỗ, cha mẹ có thể gợi chuyện bằng cách nói với con về những phong cảnh thấy được trên đường đi hoặc kể chuyện cổ tích cho con nghe.

Nếu chúng vãn khăng khăng không chịu nghe lời, bạn nên “trừng phạt” trẻ bằng việc cùng chúng ra khỏi ô tô. Dẫu biết rằng phương pháp này sẽ tốn thời gian và rất phiền hà, nhưng hành động ấy của bạn thể hiện sự quyết liệt và nghiêm khắc đối với trẻ.

Đến khi nào trẻ hối lỗi, bạn mới cùng trẻ vào bến xe và chờ đợi một chuyến xe khác ngay sau đó. Và nên nhớ, ngay kể cả khi bạn đi xe bus cùng bé vào giờ ăn trưa hoặc ăn tối, cũng không nên cho trẻ ăn uống tại các phương tiện giao thông công cộng. Điều này được coi là mất lịch sự và không tôn trọng những người xung quanh mình.
 
Ở các trung tâm mua sắm

Luôn “sát cánh” bên con

Đi sát cạnh con vừa giữ trẻ không bị lạc, vừa có thể “kiềm chế” những hoạt động chạy nhảy, nghịch ngợm của trẻ trước những quầy hàng lấp lánh đủ loại. Hãy cố giải thích để trẻ hiểu được rằng, việc chạy nhảy ở những nơi đông người thế này có thể sẽ khiến bé bị ngã, va phải người khác hoặc vấp vào những chiếc tủ kính trong suốt. Nếu trẻ trót làm vỡ hoặc làm xô lệch những món hàng ở trên giá, hãy yêu cầu trẻ sắp xếp lại và xin lỗi nhân viên bán hàng.

Cẩn thận trước từng món hàng

Nếu chẳng may trẻ làm hỏng bất cứ món hàng nào, cha mẹ nên đưa trẻ đến quầy thu ngân và đền tiền cho món hàng đó. Trẻ sẽ thấy được trách nhiệm của mình trong chuyện này và cẩn thận hơn vào những lần sau. Tất nhiên, ngoài việc thanh toán món hàng đã bị hỏng, bạn cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao bạn lại làm như thế và nói cho trẻ biết hành động ấy của chúng là không đúng. Khuyến khích trẻ nhận lỗi trong trường hợp này.

Trên thang máy và thang cuốn

Nhiều đứa trẻ đã bị cuốn giày dép vào những chiếc thang cuốn để rồi sau đó ngón chân bị chảy máu và gây đau đớn. Những trường hợp ấy luôn xảy ra khi trẻ không nhận được sự để mắt của cha mẹ và chưa biết sử dụng loại thang này sao cho đúng. Tất nhiên, bọn trẻ luôn hiếu động và thường giành quyền được tự lên thang chứ không thích được bế. Hãy hướng dẫn con cách lên và cách xuống thế nào cho an toàn như việc phải đứng vào vị trí giữa ở mỗi bậc thang. Trong lúc thang đang chuyển động, hãy nắm tay vào chỗ vịn một cách chắc chắn. Cần để mắt tới những vạch màu được sơn trong mỗi bậc thang vào thời điểm bắt đầu bước vào thang hoặc rời khỏi thang.

Khi ở trong thang máy:

Trẻ nên đứng ở trong chứ không nên chắn trước lối ra vào vì điều này làm ảnh hưởng tới những người khác. Khi đang đợi thang máy, hãy chờ cho cửa thang máy mở hẳn và những người trong thang ra hết thì mới được vào thang để lên hoặc xuống tầng.

Chờ đợi cho tới lượt mình

Khi chưa ra đến quầy tính tiền, mọi món hàng cha mẹ hoặc trẻ đã chọn vẫn chưa chính thức thuộc quyền sở hữu của cả gia đình. Vì thế, trẻ không nên bóc mác hoặc nghịch ngợm những món đồ đã mua. Nếu quầy thanh toán đông người, nên bình tĩnh chờ tới lượt mình. Tuyệt đối không được chen hàng hoặc hét hò trong lúc chờ đợi cha mẹ tính tiền.

10 phép lịch sự cần dạy bé

dạy trẻ lịch sự

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn