Khi nói đến dạy con về tiền thường người ta chỉ nói đến dạy con cách tiêu tiền, hoặc cách tránh xài tiền phung phí. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì dạy con về tiền không chỉ dừng lại ở cách tiêu tiền mà còn có cách để dành tiền, cách quản lý tiền, cách hưởng thụ tiền, và quan trọng nhất là ý nghĩa của tiền đối với hạnh phúc và đạo đức cá nhân.
1. Thành thật về tình hình tài chính của bạn
Thay vì cố gắng che giấu trẻ em về tình hình ngân sách của gia đình, hãy cho các em tham gia vào quá trình quyết định về việc khi nào nên tiết kiệm và khi nào nên sử dụng tiền bạc.
Cha mẹ không nên tô vẽ tình hình tài chính của gia đình trước mặt các em, cũng đừng nên làm trầm trọng hóa vấn đề tiền nong với trẻ. "Hãy dạy con cái về tiền bạc từ thực tế khách quan", theo Steve Siebold ( tác giả của cuốn sách "Người giàu suy nghĩ như thế nào").
2. Cho trẻ cơ hội tiếp cận với thực tế
Cha mẹ dạy cho trẻ em về tiền bạc càng sớm càng tốt. Việc cha mẹ trì hoãn dạy con tài chính càng khiến trẻ lúng túng hơn sau này. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tiếp xúc với tiền, xác định các mệnh giá khác nhau, chơi và đếm tiền ngay từ khi trẻ biết học đếm.
Từ việc dạy cho bé cách đếm những đồng xu tiết kiệm được trong heo đất đến việc làm thế nào để cân bằng một tài khoản, trẻ em sẽ học được cách kiểm soát tài chính của bản thân. Và điều đó sẽ giúp trẻ tự tin hơn với việc sử dụng tiền một cách hợp lý.
3. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiếm tiền
Cha mẹ muốn dạy con việc kiếm tiền rất vất vả và cần phải trân trọng đồng tiền kiếm ra. Nhiều người cố gắng dạy trẻ em cách kiếm tiền bằng cách làm việc nhà. Tuy nhiên nếu xử lý không khéo trẻ sẽ hình thành thói quen chỉ làm việc gì đó nếu được trả tiền.
Eric Erickson, cha của 4 cậu bé chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Những đứa trẻ của tôi không cần nhận một khoản tiền nào cả nhưng chúng vẫn làm một vài việc nhỏ giúp đỡ hàng xóm hoặc làm những công việc có mức lương thấp", Erickson nói. "Từ khi 2 đứa lớn có xe riêng, chúng tự chịu trách nhiệm cho việc đổ xăng và trả các chi phí bảo dưỡng. Điều đó giúp chúng nhận ra rằng chúng phải lập ngân sách, và nếu sử dụng xe quá nhiều, chúng sẽ tốn nhiều tiền để đổ xăng."
4. Có mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc
Trẻ em thường nắm bắt thái độ và hành vi nhanh hơn những gì người lớn nghĩ. Nếu cha mẹ thường nhăn mặt mỗi khi nhận được hóa đơn thẻ tín dụng hoặc càu nhàu khi phải rút tiền từ ví để trả cho một khoản chi phí, các em có thể bắt đầu nghĩ về tiền như điều gì đó rất khó chịu và rắc rối.
Chris Miles, người sáng lập công ty tư vấn tài chính MoneyRipples.com nói rằng nên có những cuộc nói chuyện tích cực về tiền bạc. "Kinh nghiệm của tôi cho thấy khi cha mẹ nhắc đến tiền như thể họ không bao giờ có đủ hoặc một điều gì đó rất tồi tệ, những đứa trẻ lớn lên sẽ ghét tiền và đấu tranh với nó trong suốt cuộc đời của chúng", ông nói.
Miles cho biết thêm "Điều đầu tiên tôi làm hàng ngày là tránh dùng những cụm từ như 'Chúng ta không thể trả được' hay 'Chúng ta không có đủ tiền', và thay vào đó dùng cách nói trung thực hơn, chẳng hạn 'Đó không phải ưu tiên của chúng ta bây giờ' hay 'Tôi nghĩ rằng nó không đáng giá như vậy' hoặc 'Chúng ta nên làm gì để đủ tiền mua chúng nhỉ ?'.
5. Đừng làm điều đó một mình
Dạy cho trẻ em những thói quen tốt về tài chính có thể là một thách thức, nó thường đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Bên cạnh việc trở thành tấm gương cho con cái, các bậc cha mẹ nên cho trẻ em tiếp xúc với những người có khả năng kiểm soát tài chính tốt, điều đó sẽ giúp ích cho các em khi trưởng thành.