Sáng 27/1, thông tin từ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết, ông Võ Cư (56 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND phường Trần Phú (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã được gia đình đưa về nhà lo hậu sự vì bị ngộ độc quá nặng, không thể qua khỏi do ăn thịt cá nóc.
Hai người còn lại gồm anh Võ Phạm Thành Mến (25 tuổi), con ruột ông Cư, hiện là cán bộ địa chính phường Trần Phú và em ruột ông Cư tên Hiếu, may mắn được cứu chữa và qua khỏi cơn nguy kịch. Đến sáng 27/1, hai bệnh nhân này sức khỏe dần hồi phục.
Trước đó, chiều 26/1, cả nhà ông Cư làm thịt cá nóc um lên ăn. Chị Võ Phạm Thanh Nga (31 tuổi, con gái ông Cư) cho biết, mớ cá nóc trên được nhà chú đi lưới về cho. Gia đình ông Cư đã nhiều lần ăn cá nóc nhưng không ai có biểu hiện bị ngộ độc cho đến chiều tối qua thì xảy ra sự việc đau lòng.
Theo các ngư dân, cá nóc có nhiều loại, đa phần đều có độc tố. Thời điểm thời tiết lạnh và giao mùa, độc tố trong cá nóc tăng cao. Bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhiều người vẫn mua cá nóc về ăn vì cá nóc thịt thơm, ngon hơn cả thịt gà, nhiều cơ sở vẫn chế biến, kinh doanh thịt cá nóc.
Độc tố chiếm chủ yếu ở cá nóc là tetrodotoxin, ngoài ra còn có độc tố hepatoxin chiếm tỷ lệ thấp. Độc tố có nhiều trong buồng trứng, gan, tụy, máu, mang và ở đầu. Độc tố cá nóc rất bền vững, đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm đi 1/2, nếu ăn khoảng 10g cá nóc có độc tố thì sẽ bị ngộ độc. Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay. Đôi lúc, có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ... Nạn nhân có thể chết sau 1,5-8 giờ. Hiện nay điều trị ngộ độc cá nóc chưa có thuốc chống độc đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng như: cho thở oxy để chống suy hô hấp và sử dụng một số loại thuốc chống trụy tim mạch. |