1. Chuẩn bị sẵn một túi đồ để đề phòng trường hợp bạn sinh sớm hơn dự kiến. Bạn nên chuẩn bị đồ ngủ, tất... cũng như một bộ đồ sẽ mặc khi xuất viện, chăn, bỉm và khăn sạch cho bé. Bạn cũng nên chắc chắn trong đó cũng có những vật dụng như thỏi son dưỡng, cuốn tạp chí hoặc sách, đặc biệt là CD những bài hát bạn yêu thích và thêm một chiếc gối cho chồng.
2. Hát và trò chuyện với con khi bé còn đang trong bụng mẹ. Đây là cách tốt nhất để kết nối với con trước khi sinh. Bạn cũng nên để chồng làm việc này. Nếu anh ấy cảm thấy ngượng khi phải nói chuyện với em bé ở trong bụng, bạn có thể yêu cầu anh ấy đọc một cuốn sách hay chơi một vài bản nhạc vui nhộn.
3. Giặt sạch tất cả quần áo của bé, vệ sinh giường ngủ và chăn gối với một sản phẩm giặt giũ chuyên dụng, đặc biệt là loại dịu nhẹ và không gây ảnh hưởng tới làn da của bé. Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm vì thế các mẹ nên chú ý vấn đề này và các sản phẩm khác.
4. Mua một chiếc ghế dành cho bé khi đi ô tô hoặc xe máy và để người hiểu biết lắp đặt nó. Vì thế, hãy tìm hiểu các mẫu ghế ngồi cho bé trước, sau đó chọn lấy sản phẩm ưng ý nhất trước khi tới cửa hàng mua sắm.
5. Hầu hết các bệnh viện có các khóa học sinh đẻ rất tuyệt vời, bạn nên theo học một lớp tiền sản cùng với chồng. Sẽ có rất nhiều thứ cần phải học và nó rất hữu ích. Rất nhiều các lớp học đều cho học viên xem các video lúc đang sinh và đưa ra những chỉ dẫn trong quá trình lâm bồn và những thông tin chung về ngày sinh.
- Những kiến thức cơ bản về vấn đề chuyển dạ, phương pháp đẻ thường với đẻ mổ
- Những hướng dẫn cơ bản về những chuẩn bị về mặt thể chất, tinh thần cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc chào đón một em bé sơ sinh trong cuộc sống của các cặp đôi.
- Một số hướng dẫn để giúp các mẹ có thể vượt cạn dễ dàng như: cách thở, cách rặn đẻ...
- Những kiến thức cơ bản về việc làm quen với bé sơ sinh, chăm sóc bé lúc mới sinh (dinh dưỡng, vệ sinh, các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh..)
- Cách chăm sóc sản phụ sau khi sinh (vệ sinh, dinh dưỡng, tâm lý...)
6. Tạo một danh sách liên lạc khẩn cấp và luôn giữ nó bên mình trong trường hợp chồng hoặc người thân không ở bên khi bạn sinh sớm. Hãy đảm bảo là những mối liên lạc này có đủ các thông tin về bảo hiểm, y tế của bạn trong trường hợp họ cần phải kê khai chi tiết những thông tin này khi đưa bạn đi sinh em bé.
7. Xin nghỉ thai sản
Thường các mẹ bầu có tâm lý sẽ đi làm tới ngày lâm bồn để có nhiều thời gian chăm sóc con sau khi bé chào đời. Điều này không nên vì trước khi sinh mẹ bầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn, soạn đồ đạc sẵn sàng… để chuẩn bị tới bệnh viện. Tốt nhất bạn nên xin nghỉ trước ngày dự sinh 1-2 tuần.
8. Cùng chồng lên kế hoạch tài chính
Sẽ có rất nhiều khoản vợ chồng bạn phải chi tiêu trong thời gian tới, mặt khác khoản lương của bạn có thể ít đi trong thời gian nghỉ thai sản. Hãy cùng chồng lên kế hoạch cụ thể về những khoản chi tiêu để bạn chủ động và yên tâm hơn về tài chính trước khi sinh.
9. Dọn dẹp nhà cửa
Nếu không có điều kiện thuê người giúp việc, bạn hãy cùng chồng dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa một chút. Điều này sẽ giảm phần nào áp lực công việc sau khi sinh nở, và quan trọng là khi trở về nhà hai mẹ con sẽ cảm thấy thoải mái, ấm áp hơn với không gian sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát.
10. Tìm người chăm sóc mẹ và bé
Mẹ bầu nên tìm người giúp việc ngay từ bây giờ để chăm sóc cho hai mẹ con nếu không có ông bà nội ngoại gần bên. Có thể nhờ người quen, bạn bè giới thiệu để tìm được người giúp việc đáng tin cậy nhé.
11. Tìm bác sỹ cho con
Tìm trước cho em bé sơ sinh một bác sỹ thật tốt đề phòng chẳng may bé bị bệnh. Trẻ sơ sinh thường có sức đề kháng kém, dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm nên việc kiếm sẵn một bác sỹ chưa bao giờ là thừa.
12. Hãy thư giãn
Lo lắng, sợ hãi, vội vàng đều ảnh hưởng không tốt đến mẹ và bé. Tạo cho mình một cảm giác thoải mái, vui vẻ bằng cách:
- Xem bộ phim mà bạn yêu thích hay nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, du dương
- Đi Spa hoặc nhờ chồng massage tại nhà nếu bạn làm biếng ra ngoài
- Tập thể dục với những động tác nhẹ nhàng không những giúp tinh thần sảng khoái mà còn rèn luyện cho bạn sức khỏe trước khi lâm bồn.
- Trò chuyện cùng người thân
13. Ngủ đủ giấc
Là một trong những việc quan trọng số một mà mẹ bầu cần thực hiện trước khi bước vào “cuộc chiến”. Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe vì khi đến phòng sinh, bạn sẽ không có thời gian nghỉ ngơi cộng với quá trình sinh nở cũng rất mất sức.
14. Vệ sinh cá nhân
Việc vệ sinh cá nhân không chỉ tạo cho mẹ bầu cảm giác sạch sẽ, thoải mái mà còn có thể hạn chế cho bé một số bệnh lây nhiễm khi chào đời.
Cắt móng tay móng chân, bôi sạch màu sơn trên móng: Bàn tay mẹ thường xuyên tiếp xúc với bé khi bế, cho con bú. Móng tay dài và sơn là môi trường để vi khuẩn gây bệnh cho trẻ phát triển, nhất là các bệnh về đường ruột. Hơn nữa da trẻ sơ sinh vốn mỏng và dễ bị tổn thương. Móng tay của mẹ dài có thể làm trầy xước da bé bất kỳ lúc nào
Cắt tóc ngắn để không vướng víu khi vượt cạn là việc làm rất tốt. Nếu vẫn muốn giữ mái tóc dài, bạn cần kẹp tóc gọn gàng. Tắm rửa sạch sẽ, mặc những trang phục rộng, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.
15. Điện thoại luôn sẵn sàng
Bạn và ông xã phải đảm bảo điện thoại luôn hoạt động và còn tiền. Lưu cẩn thận số của bệnh viện, người hộ sinh và taxi để khi có dấu hiệu chuyển dạ bạn chỉ cần alô.