3 thói quen ăn sáng giúp bạn khỏe mạnh, tốt cho trí não
Ăn sáng bằng hạt óc chó: Nếu bạn đi làm muộn và không có thời gian để ăn sáng, hãy gói một ít quả óc chó vào túi để ăn nhẹ.
Óc chó là một nguồn tuyệt vời của axit alpha-linolenic - một dạng chất béo không bão hòa đa omega-3. 28g hạt óc chó có 1,5g axit alpha-linolenic giúp tăng cường trí não, có thể đóng một vai trò trong việc chống lại chứng sa sút trí tuệ. Bạn có thể nướng quả óc chó như một loại bánh nướng xốp tự làm để ăn sáng cũng rất tốt.
Ăn sáng bằng trứng: Trứng dù nấu theo bất cứ cách nào, cũng là một bữa sáng giàu protein và no bụng. Bữa sáng với trứng được chứng minh là giúp bạn giảm cân, xây dựng cơ bắp.
Chúng cũng giúp xây dựng và phát triển trí não cho trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ ăn trứng thường xuyên giúp cải thiện điểm số học tập, tập trung sự chú ý và tăng cường trí nhớ trong thời gian ngắn so với những đứa trẻ chỉ ăn lòng trắng trứng hoặc sữa chua.
Ăn sáng bằng yến mạch: Mức độ thấp trong huyết thanh của một số chất dinh dưỡng như folate, vitamin E và flavonoid có liên quan đến chức năng nhận thức kém, mất trí nhớ và phát triển chứng mất trí nhớ.
Trong khi đó, việc ăn sáng bằng bột yến mạch nguyên chất là nguồn cung cấp vitamin B tuyệt vời, bao gồm folate và vitamin B12.
Bạn cũng có thể ăn nó kèm với các loại quả mọng. Chúng chứa một lượng lớn flavonoid. Đó có thể là lý do tại sao chúng rất hữu ích trong việc bảo vệ các kết nối thần kinh và ngăn ngừa các mảng amyloid vốn là đặc trưng của bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
3 sai lầm khi ăn sáng dễ gây bệnh bỏ ngay còn kịp
Ăn sáng quá sớm hay muộn: Nhiều người có thói quen ngủ dậy muộn và ăn bữa sáng muộn. Thói quen này nếu kéo dài thường xuyên, liên tục gây tình trạng đầy bụng, đau dạ dày hoặc ảnh hưởng đến chất lượng bữa trưa. Ngược lại, nếu ăn sáng quá sớm cũng có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Thời điểm lý tưởng nhất để ăn sáng là từ 6 - 8 sáng vì lúc này axit dạ dày tiết ra mạnh, tiêu thụ thức phẩm vào lúc này sẽ tốt cho dạ dày. Chỉ nên ăn sáng sau khi thức dậy khoảng 20-30 phút. Trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
Ăn sáng không đủ chất: Có rất nhiều người muốn tạo cảm giác đói để ăn bữa trưa ngon miệng, vì vậy sẽ chỉ ăn sáng rất ít hoặc vừa đủ. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều vào các bữa còn lại hoặc ăn nhẹ đồ ăn vặt vào cuối ngày và dẫn đến khó kiểm soát được cân nặng. Một bữa ăn no vào buổi sáng có thể có tác dụng ngược lại. Nó kích thích sự trao đổi chất và đốt cháy calo trong suốt cả ngày.
Ăn sáng quá vội: Nhiều người có thói quen ăn sáng nhanh, thói quen này khiến thức ăn không được nghiền kỹ, gây bất lợi cho hệ tiêu hóa và ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày.
Ăn sáng nhanh còn gây tình trạng trào ngược axit dạ dày và tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa. Hoặc ăn vội khi thức ăn còn nóng sẽ gây bỏng, tăng khả năng mắc ung thư vòm họng.
Vì vậy, hãy thu xếp thời gian để dậy sớm và ăn sáng chậm rãi, đầy đủ. Khi bạn có thể chậm lại và thưởng thức bữa sáng, điều đó có thể giúp bạn nhận biết rõ hơn về việc mình có thực sự đói hay không và hạn chế việc ăn quá nhiều.