4 sai lầm trong chế biến ăn dặm của mẹ khiến trẻ chậm lớn, còi cọc thậm chí là biếng ăn

( PHUNUTODAY ) - Giai đoạn tập ăn dặm cho trẻ rất quan trọng bởi nó hình thành cho trẻ thói quen ăn uống, giúp trẻ làm quen với những thực phẩm ngoài sữa mẹ.

Nhiều mẹ cho rằng việc chế biến ăn dặm cho trẻ rất đơn giản, chỉ cần nấu bột, nấu cháo nghiền nát ra miễn sao trẻ ăn nhiều là được. Chính suy nghĩ này đã khiến nhiều mẹ mắc phải sai lầm trong quá trình chế biến ăn dặm cho con.

Chế biến không đảm bảo vệ sinh

Đường ruột của trẻ còn khá yếu nên việc chuẩn bị đồ ăn cho trẻ yêu cầu vệ sinh cao. Mẹ không nên trộn lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín trong quá trình chế biến.

Mẹ cũng không nên dùng dao, thớt vừa thái thịt sống chưa rửa sạch để cắt thức ăn đã qua chế biến. Trước và sau khi nấu nên rửa tay để đảm bảo vệ sinh, tránh cho trẻ các bệnh về tiêu hóa, đường ruột.

Đối với bát, thìa ăn dặm của trẻ nên rửa bằng nước rửa chuyên dụng dành riêng cho trẻ sơ sinh và tráng lại bằng nước sôi.

Phối hợp thực phẩm thiếu khoa học

Sự kết hợp thực phẩm trong chế biến ăn dặm cho trẻ rất quan trọng. Bữa ăn của trẻ cũng cần đảm bảo dinh dưỡng như của người lớn. Nếu bạn kết hợp thực phẩm không phù hợp có thể khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng hoặc gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Chẳng hạn không nên kết hợp hải sản với thịt trong cùng một bữa.

Một số mẹ khi thấy con thích ăn một món nào đó thì cho ăn liên tục mỗi ngày. Việc này có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Cho trẻ ăn quá nhiều chất xơ cũng khiến ruột của trẻ bị kích thích dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.

Chế biến sai lầm gây mất chất

Vì cho rằng trẻ cần ăn mềm hơn người lớn nên nhiều mẹ thường nấu khá kỹ. Thực phẩm bị nấu chín ở nhiệt độ cao sẽ làm mất đi những vitamin, chất khoáng, chất béo đồng thời chúng có thể trở nên độc hại.

Mẹ cũng không nên chế biến thực phẩm bằng cách chiên rán bởi nhiệt độ cao có thể sinh ra nhiều độc tố gây hại cho trẻ. Với một số thực phẩm như súp lơ xanh, cà rốt, bí đỏ,… chỉ cần hấp chín là trẻ có thể dùng được.

Bảo quản đồ ăn dặm sai cách

Nhiều mẹ thường nấu đồ ăn dặm 1 lần rồi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để dùng cho cả tuần. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không bảo quản thực phẩm chín cùng với thực phẩm sống, không cấp đông lại thực phẩm sau khi đã rã đông hoàn toàn.

Mẹ cũng không nên dự trữ sẵn quá nhiều đồ ăn vì thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh sẽ bị mất dần dưỡng chất.

Ngoài những sai lầm trong chế biến ăn dặm cho trẻ như trên thì nhiều mẹ cũng mắc phải sai lầm như cho trẻ ăn dặm từ trước khi trẻ 6 tháng tuổi, cho trẻ ăn mắm muối ngay khi mới bắt đầu ăn dặm, cho trẻ ăn quá nhiều. Những sai lầm này có thể khiến trẻ biếng ăn sau này, đồng thời ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link