Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con
Cha mẹ nên thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ và tạo những điều kiện cần thiết khi trẻ cần. Bạn hãy ngồi lại, có thể là hàng giờ để lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của trẻ. Chắc chắn trong những giây phút đó trẻ sẽ bộc bạch những điều thầm kín của mình.
Cha mẹ hãy dùng tình thương yêu động viên, giúp đỡ con để chúng tiến bộ. Luôn theo sát và tạo động lực để trẻ phát triển, bạn có thể dùng những phần quà bất chợt khi con làm được một việc tốt nào đó. Hoặc cũng chỉ là những phần thưởng nhỏ khi con đạt điểm 10. Những điều đó sẽ khiến trẻ nghĩ nhiều hơn, ngoan hơn và biết nghe lời hơn.
Không dùng đòn roi
Con không nghe lời, không lễ phép, hay nói dối… là những biểu hiện tất cả những người làm cha mẹ đều không muốn. Nhưng hãy nhớ rằng, đòn roi chỉ làm cho trẻ hư thêm mà thôi. Ở trẻ nhỏ, tâm lý bắt chước, bướng bỉnh là điều dễ gặp. Chính vì thế mỗi khi đánh đòn sẽ là một lần con bạn sợ hãi và điều đó sẽ hằn sâu vào trong tâm lý chúng. Đòn roi sẽ càng làm trẻ sợ hãi và tìm ra cách chống đối cũng như dối trá chứ không bao giờ làm con bạn ngoan lên được.
Thay vì nạt nộ và đánh bé, cha mẹ nên xoa dịu cơn giận dữ trong mình bằng câu : “Con nhặt đồ chơi lên giúp mẹ nhé”, hay : “Mẹ con mình cùng dọn đồ chơi nhé”. Những câu nói nhẹ nhàng như vậy sẽ giúp con có ý thức và cảm thấy mình có quyền được lựa chọn chứ không phải bị ép buộc làm việc.
Tỏ thái độ dứt khoát với bé
Nếu bé cứ khăng khăng không chịu làm theo những gì bạn muốn, bé tỏ ý hờn dỗi, khóc ỉ ôi đòi bạn phải làm theo ý bé. Đừng chiều theo vì sẽ khiến bé dần hình thành tính cách kiêu căng và bướng bỉnh. Hãy kết thúc cuộc tranh cãi bằng cách dứt khoát: “Mẹ sẽ không thay đổi quyết định của mình”. Nhưng cũng đừng nên dừng lại ở đấy nhé, hãy lựa chọn thời điểm khi bé đã bình tĩnh lại để giải thích cho bé hiểu tại sao bạn làm thế.
Nếu thấy con khóc lóc, ăn vạ mà cha mẹ đã vội vàng chiều theo ý con, sẽ tạo cho bé thói xấu là hễ cứ muốn có một cái gì là bé sẽ lại làm y như vậy. Lâu dần, sẽ trở thành tính nết và rất khó sửa đổi khi bé lớn.
Để trẻ tự lập
Đừng nghĩ tự lập là không quan tâm đến trẻ nữa. Hãy tạo mọi điều kiện để trẻ được làm những điều chúng thích trong khuôn khổ cho phép. Cho con đi học những thứ mà chúng thích, để con tự tạo cho mình một không gian riêng, một lịch học tập và vui chơi riêng, tự trang trí căn phòng của mình…Tự lập sớm sẽ khiến trẻ nhận biết được cuộc sống sớm hơn, hiểu được những gì mà cha mẹ dành cho mình sớm hơn và ngoan hơn rất nhiều.
Đừng cố gắng quyết định mọi thứ giúp trẻ, hãy để cho trẻ được tự quyết định những vấn đề của mình - cho dù quyết định đó sai, nhưng những gì trẻ học được từ điều đó vẫn tốt hơn so với việc bố mẹ quyết định thay.Thay vì quyết định thay, cha mẹ có thể cho bé lời khuyên và bé sẽ rút ra được là nên làm thế nào mới đúng từ lời khuyên của cha mẹ.