Ngày tết và việc dạy con tiêu tiền mừng tuổi đúng cách

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Lì xì Tết là để mừng thêm tuổi mới, tiền ấy là để cho con trẻ vui. Do vậy, người lớn không nên lì xì nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền…Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý dạy trẻ các ứng xử với tiền mừng tuổi.

Ứng xử với lì xì

Trước hết, lì xì Tết là để mừng thêm tuổi mới, tiền ấy là để cho con trẻ vui. Do vậy, người lớn không nên lì xì nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền. Hãy trân trọng tình cảm vì giá trị từ sự quan tâm chứ không phải là số tiền nhận được.

Đã có nhiều người, đặc biệt chuyện nhân dịp Tết để “trả ơn đáp nghĩa” với sếp, số tiền lì xì có khi lên đến bạc triệu cho trẻ. Lại có người “đánh giá tính cảm” qua số tiền lì xì con mình nhận được… với các gia đình ấy việc trẻ em dè bỉu, thái độ thiếu tôn trọng với người lì xì ít chắc là lẽ thường và đương nhiên tương lai sẽ trở thành kẻ khinh miệt người ít tiền... Đây là điều rất tai hại ảnh hưởng đến nhân cách và sự thành đạt của trẻ sau này. 

Mô tả ảnh.
Người lớn không nên lì xì cho trẻ nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng lì xì cho trẻ trong khoảng dưới 100 ngàn đồng và là tiền mới là phù hợp nhất, miễn là tiền mới và bỏ trong bao lì xì cho đúng kiểu và kín đáo vì ông bà ta vẫn dạy “Của cho không bằng Cách cho”. 

Thứ hai, khi nhận tiền mừng tuổi, cần dạy cho con trẻ không chỉ nói lời cảm ơn, chúc tết mà hơn thế là lòng biết ơn những người thương yêu mình, quan tâm đến mình. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, nên nhận tiền mừng tuổi thì cần ghi nhớ để sau này trả ơn. Tốt nhất là nên ghi lại tên tuổi, quan hệ và số tiền từng người lì xì cho mình, để sau này mình nhớ và tìm cơ hội đền đáp. “Hãy tưởng tượng 20 năm sau, khi con trưởng thành và lì xì lại con của các cô, chú, sẽ rất vui nếu kể lại câu chuyện con biết ngày xưa con được lì xì như thế nào”. 

Thứ ba, tiền lì xì cũng là tiền từ lao động vất vả của các cô, chú, bác, ông bà mà có, nên cần biết trân trọng. Trân trọng con người và văn hóa chứ không vì số tiền bao nhiêu. Dạy các con khi cần chi tiêu thì phải hết sức cân nhắc, cân đối khoản thu và chi, không chỉ để dành để đủ dùng mà quan trọng hơn còn để xứng đáng công sức của người làm ra nó chứ không vì thế mà sinh ra tự mãn, hoang phí, không biết giá trị lao động để có đồng tiền.

Một  tài khoản tiết kiệm cho trẻ

Theo phong tục, mỗi dịp năm mới, trẻ em nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành. Một khảo sát hồi năm 2012 của Trung Quốc cho thấy, hơn 50% trẻ em ở các thành phố lớn nhận hơn 5.000 tệ tiền mừng tuổi (gần 17,5 triệu đồng) vào dịp năm mới. Có 5% số trẻ được nhận gần 35 triệu đồng. 

Ở Việt Nam, chưa có khảo sát nào về số lượng tiền mừng tuổi của trẻ nhưng nhìn chung, số tiền trẻ nhận ở các thành phố lớn có thể lên đến tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu.

Giới chuyên gia khuyên rằng tịch thu tiền của trẻ hoặc lấy bớt đi không phải là cách hay vì sẽ chỉ càng khiến trẻ giấu bớt đi hoặc kích thích trẻ nói dối về số tiền nhận được. Trong suy nghĩ của trẻ, tiền mừng tuổi thuộc về chúng.

Thay vào đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng dịp trẻ nhận tiền lì xì là cơ hội để bố mẹ dạy con chi tiêu đúng cách, thậm chí có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư.

Hình thức tiết kiệm này hấp dẫn trẻ vì trẻ được đứng tên sổ tiết kiệm của riêng mình và có thể sử dụng sổ thông qua người giám hộ. Bố mẹ có thể thuyết phục trẻ trích một phần hoặc toàn bộ tiền mừng tuổi để lập sổ tiết kiệm. Số tiền này sẽ được dùng cho nhiều mục đích do trẻ lựa chọn với sự hướng dẫn của bố mẹ. Ví dụ trẻ đồng ý dùng tiền tiết kiệm để chi trả tiền học phí hàng năm hoặc thậm chí dành cho các mục tiêu dài hạn như đi học đại học, mua một ngôi nhà trong tương lai. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn