Theo Jennifer Shu, bác sĩ nhi khoa và phát ngôn viên của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) thì: “Điều quan trọng nhất của việc tiêm chủng là chúng tôi muốn ngăn ngừa tình trạng trở nặng nghiêm trọng và tử vong ở trẻ em, giảm nguy cơ nhiễm và ngăn ngừa các biến thể khác”.
Về liều lượng
Trẻ từ 5-11 tuổi sẽ tiêm vắc xin với liều lượng bằng 1/3 liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ sẽ được tiêm 2 liều, cách nhau 21 ngày giống người lớn.
Lưu ý là trẻ nên tiêm loại vắc xin được chỉ định cho độ tuổi của mình vào ngày tiêm. Chẳng hạn, trẻ 11 tuổi sắp sinh nhật hoặc có cân nặng lớn hơn các bạn cùng tuổi vẫn tiêm vắc xin cho nhóm 5-11 tuổi.
Có thể tiêm vắc xin Covid-19 cùng lúc với loại khác?
Trẻ có thể tiêm vắc xin Covid-19 cùng các loại vắc xin khác, kể cả trong một ngày. Tuy nhiên, các mũi này nên được tiêm ở các vị trí khác nhau trên cơ thể. Theo các bác sĩ nhi khoa cha mẹ nên bám sát việc tiêm chủng định kỳ cho con.
Bên cạnh vắc xin ngừa Covid-19, trẻ cần được tiêm ngừa vắc xin phòng các loại bệnh khác. Chẳng hạn như tiêm vắc xin sởi, cúm. Căn bệnh này cũng gây ra nguy cơ trở nặng nghiêm trọng hơn ở trẻ.
Vì sao trẻ nhỏ cần tiêm vắc xin?
Do trẻ nhỏ có xu hướng ít bị trở nặng nên nhiều người nghi vấn liệu đối tượng này có cần chủng ngừa hay không?
Theo số liệu gần đây của AAP, kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, hơn 12,5 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, dẫn đến khoảng 40.000 ca nhập viện và hơn 800 ca tử vong.
Khoảng 7.000 trẻ đã mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), liên quan đến Covid-19. Hội chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm này có thể gây viêm tim, phổi, thận, não, mắt và các cơ quan khác. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 9.
Ở Mỹ, mặc dù số ca bệnh và tử vong ở trẻ thấp hơn người lớn nhưng các chuyên gia đánh giá virus đang ảnh hưởng đến trẻ em.
Hãng Pfizer cho biết, trong thử nghiệm lâm sàng, vắc xin đã được chứng minh an toàn và có hiệu quả hơn 90% đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong thời điểm mà biến thể Delta là chủng vượt trội.
Tác dụng phụ của vắc xin
Các tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng ở trẻ nhỏ rất hiếm.
Sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng gây khó thở - có thể xảy ra sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào.
Tính đến ngày 8/2, có 81 báo cáo về sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Pfizer ở trẻ đủ điều kiện, gồm 5 ca ở nhóm 5-11 tuổi, các trường hợp khác chưa được xác nhận.
Huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu, gây ra cục máu đông, cực kỳ hiếm sau tiêm vắc xin. Hiện tại, Mỹ chưa ghi nhận hiện tượng này ở trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Trẻ đã mắc Covid-19 có cần tiêm vắc xin?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Đạt, Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ dù đã mắc Covid-19 hay chưa cũng nên tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Thứ nhất là tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ giúp trẻ sản sinh ra được nhiều kháng thể toàn thân và tăng cường khả năng miễn dịch đồng bộ cho cơ thể.
Thứ hai là tiêm vắc xin giúp trẻ bổ sung khả năng chống lại nguy cơ tái nhiễm.