5 nhóm người không nên ăn vải
Người bị tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn vải, đặc biệt là phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.
Vải tươi có hàm lượng đường tương đối cao. Ăn nhiều vải sẽ gây cảm giác no, đầy bụng. Ngoài ra, nó còn khiến lượng đường glucoza đi vào máu với lượng lớn vượt quá khả năng chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza trong máu tăng đột biến, đường huyết sẽ tăng nhanh và gây nguy hiểm cho người bị bệnh tiểu đường.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều vải. Vải có hàm lượng đường cao, có thể gây nóng trong, nổi mụn nhọt, gây khó chịu cho thai phụ. Đặc biệt, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ càng nên hạn chế ăn vải.
Người thừa cân, béo phì
Vải chứa 66% đường glucose, 5% đường saccharose. Do đó, người bị thừa cân, béo phì ăn nhiều vải sẽ gây ra tình trạng khó kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể và dễ dẫn đến tình trạng tăng cân.
Người nổi nhiều mụn nhọt, hay bị nhiệt miệng
Vải có hàm lượng đường tương đối cao nên ăn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng nóng trong người, nổi nhiều mụn nhọt. Người bị nhiệt miệng cũng nên hạn chế ăn loại quả này.
Trẻ nhỏ
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn thiện vì vậy cha mẹ không nên cho các bé ăn quá nhiều vải. Ăn nhiều vải có thể khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu, tăng cân khó kiểm soát.
Lưu ý khi ăn vải
Không ăn quá nhiều vải một lúc
Người lớn khi ăn vải không nên ăn quá 10 quả một lần, nhất là phụ nữ mang thai. Ăn nhiều vải cùng một lúc sẽ khiến gan sinh hỏa, đau rát lưỡi họng, thậm chí có thể gây ra tình trạng "say vải" với các biểu hiện như buồn nôn, hoa mát, chóng mặt, chân tay mỏi rã rời...
Trẻ nhỏ chỉ nên ăn 3-4 quả vải một lần và cần có sự theo dõi chặt chẽ của người lớn để tránh bị hóc hạt.
Không nên bóc bỏ lớp màng trắng của quả vải
Khi bóc vỏ vải, bạn sẽ thấy có một lớp màng trắng. Lớp màng này có vị hơi chán và hoàn toàn có thể ăn được. Nếu không muốn bị nóng, bạn nên ăn cả lớp màng này.
Không nên ăn vải dập, ủng
Những quả vải chín quá, dập nát, ủng thối có thể chứa một loại nấm độc có tên là Candida tropicalis. Hàm lượng đường, pH, axit trong quả vải là môi trường lý tưởng cho loại nấm này phát triển. Chúng thường được tìm thấy ở phần núm của quả vải.
Ăn vải bị nấm có thể dẫn đến tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy...