6 câu nhiều bố mẹ thường xuyên nói nhưng vô tình làm con cái tổn thương, thậm chí phá hỏng tương lai trẻ

13:06, Thứ hai 22/11/2021

( PHUNUTODAY ) - Những câu nói phán xét, buộc tội vô tình khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ ngày càng xa cách, thậm chí làm con tổn thương, thiếu tự tin vào bản thân.

1. "Con nhìn con của nhà người ta kia kìa"

Hầu hết mọi người ít nhiều đã từng bị bố mẹ mình so sánh với con nhà người ta khi còn nhỏ. Tâm lý so sánh này là biểu hiện của việc bố mẹ mong muốn con mình trở nên giỏi giang hơn, biến sự tự ái thành động lực để cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế việc so sánh này hoàn toàn phản tác dụng.

Con cái luôn khao khát được bố mẹ hiểu mình, được công nhận. Việc bố mẹ nói những lời trái ngược với suy nghĩ của trẻ khiến chúng có cảm giác bị bỏ rơi.

Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể duy nhất, không ai giống ai, việc so sánh thực sự rất khập khiễng. Nếu bố mẹ muốn con mình trở thành "con nhà người ta", trước hết bản thân cũng phải trở thành "bố mẹ nhà người ta". Nếu hiểu được vấn đề này, bố mẹ cần bỏ ngay sự so sánh mù quáng, quan tâm tới cảm nhận của con mình hơn thay vì điểm số.

trecom

2. "Em con còn nhỏ, con phải biết nhường nhịn chứ"

Nhiều bố mẹ thường hay nói câu này, anh chị thì phải biết nhường nhịn em. Ý định ban đầu của người lớn là xóa bỏ sự tị nạnh giữa 2 đứa trẻ, để chúng có thể thân thiết hơn. Thế nhưng, khi nói ra câu này, con cái thường cảm thấy bố mẹ không quan tâm tới cảm xúc của mình. Thậm chí chúng có thể xem em mình như một "đối thủ cạnh tranh" bỗng nhiên xuất hiện, giành hết tình cảm của bố mẹ.

Trong nền giáo dục truyền thống, con cái thường được dạy dỗ rằng, cần phải yêu thương nhường nhịn em của mình. Tuy nhiên, sự nhường nhịn này hoàn toàn phải dựa trên sự tự nguyện, bố mẹ không được ép buộc. Mỗi đứa trẻ đều là thiên thần và chúng xứng đáng nhận được tình yêu thương công bằng từ bố mẹ.

3. “Cấm được cãi”

Nhiều phụ huynh cho rằng con không được cãi cha mẹ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định câu nói này chỉ khiến trẻ thêm ức chế, bực bội vì không được tôn trọng, lắng nghe.

Thay vì dùng những lời lẽ bực bội, buộc tội, chúng ta nên dành thời gian lắng nghe vấn đề con đang gặp phải, cho trẻ cơ hội phản biện và phân tích đúng sai. Nếu bạn luôn độc đoán, con sẽ không còn tin tưởng mình nữa.

4. "Bố mẹ làm tất cả là vì con"

Có lẽ không ít bố mẹ từng thốt ra câu nói: "Bố mẹ làm tất cả vì con" hoặc "Bố mẹ cực khổ làm việc đều vì con". Không thể phủ nhận rằng, những gì bố mẹ làm đều chỉ muốn mang đến những điều tốt đẹp cho con mình. Thế nhưng, dưới góc độ của con cái, cách bố mẹ dành tình cảm như thế này chẳng khác gì một chiếc gông cùm nặng nề.

Bố mẹ thường xuyên nói câu này sẽ khiến con cái cảm thấy áp lực, không có lợi cho sự trưởng thành của chúng. Việc bố mẹ than khổ khi vất vả làm việc khiến con cái cảm thấy tội lỗi.

Bố mẹ dành những điều tốt đẹp cho con cái hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện và tình yêu thương vô điều kiện. Vì thế, dù có làm việc vất vả cũng không nên than phiền với con cái.

5. "Sao con ngốc thế"

Một số bố mẹ thường nói câu này mỗi khi giảng bài hoặc bày một thứ gì đó nhưng trẻ mãi không hiểu. Lời nói này khiến đứa trẻ cảm thấy bố mẹ đang ghét mình, khiến chúng trở nên mất tự tin.

Nếu thường xuyên nói câu này, bố mẹ vô tình dán nhãn lên con cái, khiến đứa trẻ dần tin rằng mình thực sự ngốc nghếch, không thể làm được việc gì cả.

Bố mẹ là người thầy đầu tiên và là chỗ dựa lớn nhất của con cái. Sự khẳng định của bố mẹ đối với sự trưởng thành của con cái rất quan trọng. Điều này cũng giống như một cây cối sẽ không thể lớn lên nếu không được tưới nước.

6. “Việc con làm không thể chấp nhận được, con sẽ bị cấm làm…”

Việc áp đặt hình phạt có thể giúp chúng ta cảm thấy kiểm soát được hành động của con. Song, nghiên cứu từ TS Alan E. Kazdin, Đại học Yale, Mỹ, cho thấy phạt con một cách khắt khe, cực đoan dễ khiến mối quan hệ của phụ huynh và trẻ ngày càng tồi tệ.

Hình phạt sẽ không khiến con thay đổi hành vi, thậm chí chỉ khiến chúng thêm ức chế, tức giận và không muốn giao tiếp với cha mẹ. Cha mẹ càng đe dọa, trẻ càng nói nối và che giấu vấn đề đang gặp phải. Theo hai nhà tâm lý học William Stixrud và Ned Johnson, thay vì dùng thái độ tiêu cực, hình phạt cực đoan, chúng ta nên tâm sự, chia sẻ mình rất buồn khi con làm sai, hiểu lý do con làm vậy và thảo luận các hậu quả có thể xảy ra.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc
Từ khóa: bố mẹ