Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện 1 trong 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị đến hết ngày 31/12/2022.
1. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú
Tại khoản 1 Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 quy định, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD gắn chip theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD. Thẻ CCCD có các thông tin bao gồm: Ảnh; Số thẻ CCCD (số định danh cá nhân); Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Ngày, tháng, năm hết hạn; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ.
2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp
Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ CCCD. Khi quét mã QRCode sẽ thu được các thông tin gồm: Số CCCD; số CMND 9 số; Họ và tên; Ngày sinh; Giới tính; Nơi thường trú; Ngày cấp CCCD.
3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD
Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu kết hợp sản xuất. Hiện nay, Công an cấp huyện đã được trang cấp và đang sử dụng. Khi đọc chip sẽ thu được các thông tin gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nơi thường trú; Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; Số chứng minh đã được cấp; Ngày cấp; Ngày hết hạn (của thẻ CCCD); Đặc điểm nhận dạng; ảnh chân dung; Trích chọn vân tay; Số thẻ CCCD (số định danh cá nhân).
4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng cách:
Bước 1: Truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ:
https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.
Bước 2: Đăng nhập tài khoản/ mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng DVC quốc gia); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại.
Bước 3: Truy cập vào chức năng “Thông tin công dân” và nhập các thông tin theo yêu cầu: Họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, số điện thoại, mã xác nhận. Sau đó, nhấn Tìm kiếm.
Bước 4: Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Nơi thường trú; Số định danh cá nhân; Số chứng minh nhân dân.
5. Sử dụng ứng dụng VNeID
Ứng dụng này hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), bằng cách:
Bước 1: Công dân đến cơ quan Công an đăng ký tài khoản mức 2; thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID; thực hiện kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.
Bước 2: Sau khi được kích hoạt, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử như sau:
+ Đăng nhập trên cổng dịch vụ công quốc gia (liên thông với cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương) với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
+ Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử (Form), người dân không phải điền và không sửa được thông tin. Các thông tin (tùy theo dịch vụ) gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nơi thường trú; Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; Số chứng minh đã được cấp; Ngày cấp; Ngày hết hạn (của thẻ CCCD); Đặc điểm nhận dạng; ảnh chân dung; Trích chọn vân tay; Số thẻ Căn cước công dân (số định danh cá nhân).
6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú
Công dân đến trực tiếp bất kì cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước, đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.
Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú.
7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Với người chưa được cấp CCCD trên toàn quốc, Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện cấp Thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để người dân sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân. Các thông tin trên Thông báo số định danh cá nhân có đầy đủ các thông tin như trên CCCD.