Đau đầu, chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, có thể liên quan đến hệ thần kinh tiền đình, mạch máu não, thiếu máu, mất ngủ, tăng huyết áp, tổn thương hệ thần kinh trung ương...
Ngoài việc đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn tới hiện tượng này, người bệnh nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Chế độ ăn nên ưu tiên những thực phẩm tốt cho hệ thần kinh, bổ máu và giúp nâng cao sức khỏe.
Thực phẩm giàu đạm và sắt
Các thực phẩm như thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn), cá đỏ (như cá ngừ, cá hồi), trứng, gan, huyết... là nguồn cung cấp đạm và sắt dồi dào giúp tạo lượng máu đầy đủ, đảm bảo nhiệm vụ nuôi dưỡng hệ thần kinh trung ương và cơ thể.
Mỗi bữa ăn, chúng ta nên có 1-2 món mặn với thịt, cá, trứng với định lượng khoảng 70-100 gram đối với một người trưởng thành.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại các gốc tự do không tốt cho tế bào não, hỗ trợ hệ miễn dịch.
Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ khoảng 600mg vitamin C mỗi ngày kết hợp với các chất khác trong 8 tuần có thể giúp kiểm soát đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình.
Vitamin C cũng có vai trò trong việc tăng cường hấp thu các chất khoáng vi lượng như sắt, kẽm... Đây đều là các chất cần thiết cho hoạt động trí não của con người.
Một số thực phẩm giàu vitamin C mà bạn có thể bổ sung vào bữa ăn hàng ngày là trái cây họ cam quýt, dâu tây, ớt chuông, cà chua, khoai lang, bông cải xanh, củ cải trắng, xoài, đu đủ, dứa, bắp cải, rau có lá màu xanh đậm...
Thực phẩm giàu vitamin B6
Vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B6 có vai trò quan trọng đối với người bị chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiền đình. Loại vitamin này có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Vitamin B6 còn giúp đẩy lùi triệu chứng hoa mắt, buồn nôn. Thiếu đi vitamin B6, hệ điều hành tiền đình sẽ không hoạt động hiệu quả.
Bạn có thể tìm thấy vitamin B6 trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, gan, cá hồi, cá ngừ, cam, táo, chuối, đu đủ, bơ, quả óc chó, hạnh nhân, ngũ cốc, khoai lang, khoai tây, cà chua, bí đỏ, các loại đậu...
Thực phẩm giàu vitamin B9 (axit folic)
Axit folic tham gia vào rất nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể con người như quá trình phát triển và phân chia tế bào, sản xuất hồng cầu, tạo chất dẫn truyền thần kinh. Các thực phẩm giàu axit folic có lợi trong việc nuôi dưỡng hệ thần kinh, tăng cường lưu thông máu.
Gan động vật, rau có lá màu xanh đậm, măng tây, đậu bắp... là các thực phẩm quen thuộc, dễ kiếm chứa hàm lượng axit folic dồi dào.
Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D giúp hạn chế và khắc phục tình trạng chóng mặt đi kèm với ù tài, rối loạn tiền đình ốc tai, xơ cứng tai.
Bạn có thể bổ sung vitamin D từ các thực phẩm như cá, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại đậu, các loại nấm...
Thực phẩm giàu magie
Magie có vai trò quan trọng trong việc điều hòa chức năng của dây thần kinh, làm dịu thần kinh.
Hải sản biển, cá nước ngọt, thịt, các loại rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt... là những thực phẩm cung cấp nguồn magie tự nhiên dồi dào mà bạn nên ăn mỗi ngày.
Nước
Nước là phần không thể thiếu của cuộc sống. Cơ thể cần có nước để hoạt động tốt. Mỗi người cần bổ sung từ 1,5-2 lít nước/ngày (bao gồm cả nước trong canh, súp, cháo...)
Nước còn giúp bài tiết độc tố - nguyên nhân gây đau đầu, chóng mặt.
Thảo dược, gia vị
Các loại thảo dược, gia vị không chỉ tăng độ hấp dẫn của món ăn mà còn có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu như đau đầu, chóng mặt.
Ví dụ như gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng cường lưu thông máu tới não, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện buồn nôn, giảm triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.
Thực phẩm nên tránh
Người hay bị đau đầu, chóng mặt nên tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo. Nhóm thực phẩm này làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng cân, béo phì, bệnh mạch vành...
Những món quen thuộc chứa nhiều chất béo và muối nên tránh là đồ ăn nhanh, thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, dưa muối, cà muối...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mỗi người không nên tiêu thụ quá 6 gram muối/ngày.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế ăn đồ ngọt và các loại đồ uống chứa nhiều đường để tránh làm tình trạng tổn thương mạch máu trở nên nghiêm trọng hơn. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mỗi người chỉ nên tiêu thụ tối đa 4 thìa cà phê đường (khoảng 20 gram)/ngày để bảo vệ sức khỏe.
Người bệnh cũng cần tránh các thực phẩm có chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê... Những loại đồ uống có cồn như rượu, bia dễ làm mất cân bằng nước trong cơ thể, gây ra choáng váng, xây xẩm mặt mày... Trong khi đó, caffein trong các loại cà phê có thể làm co thắt mạch máu khiến triệu chứng hoa mắt, chóng mặt xuất hiện nhiều hơn.