Trong một nghiên cứu của Nhật Bản, sữa chua nguyên chất không đường có thể làm giảm lượng chất hydrogen sulphide – nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng. Trong nghiên cứu, người ta đã lấy mẫu hơi thở, nước bọt và mảng bám trên lưỡi của 24 tình nguyện viên. 2 tuần sau đó, số người này không ăn bất kỳ sản phẩm sữa nào và tuân theo cơ chế vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt. Trong 6 tuần kế tiếp, họ được ăn 90 g sữa chua mỗi ngày. Kết quả cho thấy, chứng hôi miệng của 80% số người tham gia đã giảm đáng kể, lượng mảng bám trên lưỡi cũng ít hơn.
Tuy nhiên, rất nhiều người sử dụng sữa chua sai cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Sữa chua thích hợp với tất cả mọi người
Sữa chua mặc dù tốt nhưng không có nghĩa thích hợp với tất cả mọi người. Những ai mắc bệnh tiêu chảy, bệnh đường ruột phải cẩn thận khi ăn sữa chua, trẻ dưới một tuổi không nên ăn. Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường, bệnh xơ vữa động mạch, viêm túi tụy và viêm mật cũng không nên ăn sữa chua có đường, nếu không sẽ làm gia tăng tình trạng bệnh.
Sữa chua thích hợp nhất với nhóm người thường xuyên uống rượu, hút thuốc, làm việc với máy tính, bị táo bón, thường dùng thuốc kháng sinh, loãng xương, bệnh về tim mạch.
Ăn sữa chua chống đói
Ăn sữa chua có thể giúp giải tỏa cơn đói tạm thời, nhưng dù sao bạn cũng không nên phát huy. Bởi khi bụng rỗng, nồng độ pH trong dạ dày tăng, khuẩn lactobacillus có trong sữa chua dễ bị axit trong dạ dày giết chết, làm giảm tác dụng của nó.
Hơn nưa, bạn nên ăn sữa chua sau khi ăn cơm 1-2 tiếng. Bởi lúc này dịch dạ dày được pha loãng, nồng độ axit trong dạ dày giảm sẽ tốt hơn cho sự sinh trưởng của khuẩn lactobacillus. Ngoài ra, ăn sữa chua buổi tối cũng rất tốt cho sức khỏe.
Lưu ý: Bạn phải đánh răng sau ăn sữa chua, nếu không vi khuẩn và các chất có tính axit trong sữa chua rất dễ gây tổn thương răng.
Cứ ăn sữa chua là sẽ giảm cân
Nhiều teen không có khả năng kiểm soát cân nặng thường mặc định sữa chua là phương pháp giảm cân kỳ diệu và cứ thế... tin sái cổ. Thực ra, sữa chua chứa axit có tác dụng trong việc giảm cân, nhưng đó chỉ là cách cân bằng lượng vi khuẩn trong dạ dày.
Sữa chua còn có tác dụng khác là tạo cơn thèm ăn, đồng thời lượng calo trong sữa chua còn lớn hơn sữa thường. Nếu không muốn bản thân phát phì, đừng dùng sữa chua như một cách giảm cân, teen nhé.
Sữa chua là đồ uống tốt hơn sữa tươi
Không thể khẳng định điều này bởi sữa chua và sữa tươi đều là những loại thức uống bổ dưỡng và mỗi loại có một ưu điểm khác nhau đối với sức khỏe. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng so với sữa tươi thì sữa chua là nguồn dinh dưỡng mà cơ thể dễ hấp thụ và tiêu hóa hơn.
Thêm vào đó, hầu hết thành phần đường có trong sữa là lactozơ, với những người không thể dung nạp lượng lactozơ này sẽ dẫn đến nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy. Nếu bạn gặp phải rắc rối này thì bạn nên thay thế việc uống sữa tươi bằng sữa chua.