Từ lâu ngải cứu đã được biết đến như một vị thuốc dùng để trị đau lưng, nhức mỏi vai gáy và đau xương khớp.
Trong Đông y, ngải cứu có vị cay đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng. Nó có tác dụng tán hàn thấp, làm ấm cơ thể, cầm máu. Ngải cứu còn hay được dùng để trị đau bụng do lạnh, chảy máu cam, động thai, kinh nguyệt không đều, các bệnh đau nhức xương khớp do phong hàn.
Theo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy (Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM) cho biết triệu chứng đau xương khớp nhẹ có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi hợp lý, xoa bóp dầu. Người dân không nên tự ý mua thuốc giảm đau về uống, tránh trường hợp lạm dụng thuốc. Nếu đau kèm theo sưng nóng đỏ vùng khớp hoặc đau tăng dần, đau dữ dội thì người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám. Trường hợp bệnh nhẹ, người dân có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau tại nhà như sử dụng ngải cứu.
Ngải cứu có thể dùng để nấu món ăn, sắc nước uống, làm túi chườm...
Bác sĩ chỉ ra 2 cách sử dụng ngải cứu đơn giản trị đau xương khớp mà ai cũng có thể tự làm tại nhà. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Túi chườm nóng
Lấy 400 gram ngải cứu tươi rửa sạch và để ráo nước. Cắt khúc ngải cứu rồi bỏ vào chảo rang với khoảng 2 nắm tay muối hạt. Để tăng tính ấm của túi chườm, bạn có thể cho thêm 400 gram gừng già (rửa sạch, cắt sợi dày) vào chảo rang cùng ngải cứu.
Sau khi rang khô thì cho hỗn hợp vào khăn vải mềm bọc lại, chờ nguội bớt rồi đắp lên vùng đang bị đau. Khi cảm thấy da đủ nóng thì nhấc lên và tiếp tục chườm cho đến khi túi ngải cứu nguội.
Một ngày có thể chườm ngải cứu 2-3 lần.
Bạn có thể đổ nguyên liệu ra chảo để rang lại hoặc cho vào lò vi sóng làm nóng và tái sử dụng ở lần sau.
Nếu bị đau ở khớp vai hoặc thắt lưng, có thể dùng một tấm khăn mỏng, độ dài phù hợp, bọc túi chườm lại và buộc vào vùng cần chườm.
Lưu ý, khi dùng túi chườm ngải cứu phải chú ý đến độ nóng. Nếu lần đầu sử dụng túi chườm, chỉ nên để nhiệt độ vừa ấm, không được để nóng quá, tránh làm bỏng da. Có thể lót một tấm vải mỏng lên trên da rồi mới chườm.
Nếu vùng khớp đau bị sưng đỏ, viêm nhiễm, có vết thương chảy máu thì người dân không được tự ý chườm tại nhà. Trường hợp này cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Làm nước ngâm hoặc tắm
Chuẩn bị nguyên liệu gồm 400 gram ngải cứu tươi rửa sạch, cắt khúc; 300 gram gừng già, rửa sạch, đập dập; 4 cây sả rửa sạch, đập dập.
Cho các nguyên liệu vào nồi, thêm khoảng 1,5-2 lít nước và nấu sôi trong 10 phút. Sau đó tắt bếp, đậy vung và hãm thêm 2 phút.
Lọc bỏ bã, pha thêm nước lạnh để lấy nước tắm hoặc dùng ngâm vùng khớp bị đau, ngâm chân.
Cách này có tác dụng tán phong hàn, khử ứ, giảm căng thẳng, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nếu bị đau đầu, có thể dùng các thành phần như trên nhưng lượng gấp đôi, thêm một nắm lá bạc hà hoặc húng cây. Đổ nước ngập các nguyên liệu và cho lên bếp đun sôi 15 phút. Dùng nồi nước này để xông hơi khoảng 20 phút giúp giảm cơn đau đầu.
Có thể ngâm nước thuốc 2 lần/ngày cho đến khi hết đau. Nếu xông hơi thì chỉ cần xông 1 lần. Người bị bệnh xương khớp nên tắm sớm, tốt nhất là trước 19 giờ. Khi sử dụng cách này nên chú ý độ nóng của nước để tránh bị bỏng.
BS Thủy đưa ra lưu ý, các bài thuốc thực hiện tại nhà này áp dụng cho trường hợp đau xương khớp nhẹ. Nếu người bệnh bị chấn thương nặng, gãy xương, cơn đau diễn tiến xấu hơn hoặc đau nhẹ nhưng sau 3-5 ngày áp dụng phương pháp trên mà triệu chứng không cải thiện thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Lạm dụng ngải cứu có thể gây ngộ độc, làm thần kinh trung ương hưng phấn quá mức và dẫn tới tình trạng chân tay rung giật cục bộ hoặc co giật.