Lúc chúng tôi đến, bác sỹ, Thiếu tá Vương Mạnh Hùng, Bệnh xá trưởng đang cùng y sỹ Phạm Thị Hương, chăm sóc phạm nhân Đức, bị bắt về tội trộm cắp tài sản.
Đức ra, vào Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương đã 4 lần, mắc bệnh tim nên từ lúc nhập trại đến thời điểm này, việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe đều do các cán bộ của bệnh xá lo liệu. Vừa thăm khám, Thiếu tá Hùng cùng y sỹ Hương vừa phải động viên Đức yên tâm chữa bệnh...
Bác sỹ Vương Mạnh Hùng thăm khám cho bị can Đức |
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chỉ có những phương tiện cơ bản như cặp nhiệt độ, máy đo huyết áp hay ống nghe... việc thăm, khám bệnh cho các bệnh nhân của Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi ngày, có gần một trăm ca thăm khám như vậy được họ thực hiện...
Chứng kiến một ngày làm việc của các y, bác sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, chúng tôi phần nào hiểu được tính chất công việc cũng như áp lực và cả không ít những hiểm nguy mà hàng ngày, những người lính khoác áo blouse trắng đang phải đối mặt.
Môi trường trại tạm giam cũng có những đặc thù riêng, khác với trại giam. Ở đây, ngoài một số ít đối tượng có mức án thấp được giữ lại lao động, cải tạo thì bị can phần nhiều là những kẻ phạm tội vừa được đưa vào, tâm lý chưa ổn định; các đối tượng có án tử hình...
Đối tượng vào trại cũng có đủ các loại tội danh từ trộm cắp, cướp tài sản, mua bán người đến giết người...
Ngay từ khi bị can được đưa vào trại, bộ phận y tế đã thực hiện việc kiểm tra sức khỏe, dấu vết thân thể, qua đó sàng lọc từng nhóm đối tượng.
Những trường hợp bệnh nặng, cần theo dõi, anh em báo cáo lãnh đạo để có hướng xử lý phù hợp.
Bệnh nhân ở trại cũng có nhiều hoàn cảnh khác nhau, có những đối tượng bị gia đình bỏ rơi; những trường hợp mới vào có tiền sử sử dụng trái phép chất ma túy...
Nếu ở bệnh viện, các bệnh nhân chủ động hợp tác với các bác sỹ trong việc chăm sóc và điều trị bệnh thì ở đây hoàn toàn ngược lại. Các cán bộ y tế của Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương vừa làm công tác chuyên môn vừa phải như một người bạn. Sự vất vả không chỉ dừng lại ở chăm sóc, điều trị bệnh mà còn ở việc xác định bệnh thật hay bệnh giả.
Thiếu tá Hùng cho biết: Trong điều kiện bị tạm giam, tạm giữ không ít đối tượng chỉ muốn được ra ngoài hưởng chút không khí tự do, thoáng đãng nên vì thế có hàng trăm "ngón đòn" để đối phó với cơ quan Công an. Có đối tượng dùng răng cắn má bên trong cho chảy máu rồi giả vờ ho ra máu. Rồi bằng cách nào đó, chúng nhét được một viên tỏi vào hậu môn; có đối tượng còn nuốt kem đánh răng thật nhiều rồi kêu đau bụng. Nửa đêm về sáng, có đối tượng lại kêu đau ngực...
Khổ nhất là vào những ngày trời mưa rét, một đêm cán bộ trực phải xuống khu buồng giam hàng chục lần. "Với các trường hợp huyết áp cao còn có thể đo, đếm được bằng sự hỗ trợ của máy móc. Những trường hợp kêu đau bụng hay giả vờ điên thì rất khó phán đoán", Thượng sỹ Lê Thị Thanh Nhàn, y sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương bộc bạch.
Thiếu tá Hùng kể cho chúng tôi về một trường hợp giả điên quê ở Thanh Hóa, đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương. Yến bị bắt về tội cướp tài sản, từ khi vào trại đối tượng này đã liên tục quậy phá. Yến suốt ngày la hét, lảm nhảm nói chuyện một mình rồi vài tuần một lần, lại đâm đầu vào tường...
Những ngày đó, bác sỹ Hùng kết hợp với các cán bộ quản giáo thường xuyên gần gũi, chia sẻ với Yến. Bằng kinh nghiệm, anh đã nhận thấy những dấu hiệu bất bình thường trong hành động của đối tượng này... Thiếu tá Hùng đã cùng anh em đưa đối tượng đến cơ quan điều tra giám định pháp y tâm thần.
Sau khi có kết luận của bệnh viện, Yến đã chịu khuất phục, đối tượng này khai rằng vì bí bách nên muốn "hành" cán bộ y tế. Sau khi sự việc được lật tẩy, Yến đã yên tâm cải tạo.
Song vất vả nhất có lẽ là việc chăm sóc các tử tù. Những kẻ tử tù dù liều lĩnh, manh động đến đâu thì cũng là con người, vì thế khi mang bản án tử hình thường rất lo lắng, hoảng loạn.
Song mỗi đối tượng lại có diễn biến tâm lý và cách hành xử khác nhau. Kẻ thì tuyệt vọng gặm nhấm nỗi đau trong sự tiếc nuối, có đối tượng thì khắc khoải mong chờ một phép màu diệu kỳ để còn được tồn tại trên cõi đời này dẫu thời gian chỉ được tính bằng ngày và giờ... Một số thì chán chường, tiếc nuối, liên tục quậy phá.
Khi chăm sóc những "bệnh nhân" đặc biệt này, Thiếu tá Hùng và các y sỹ như chị Hương; chị Nhàn luôn dùng cái tâm để cảm hóa họ. Những cử chỉ quan tâm của các y, bác sỹ cùng với những lời động viên của các cán bộ quản giáo khiến các tử tù đang thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương ý thức được hành vi phạm tội của họ...
Mỗi người từ một đơn vị khác nhau, Thiếu tá Hùng được điều chuyển về từ Bệnh xá Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Hương từ Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh hay đồng chí Nhàn, từ cô sinh viên mới ra trường bỡ ngỡ về một môi trường công tác mới là Trại tạm giam Công an tỉnh... Nhưng ở họ đều có chung một lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc và sự cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời lầm lỡ.
Phần thưởng của y, bác sỹ đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương vào ngày đặc biệt này (27-2) không phải là những đóa hóa tươi thắm như ở những bệnh viện bên ngoài. Đối với họ, niềm vui thật giản dị đó là khi các bệnh nhân yên tâm cải tạo.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với các y, bác sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương bị ngắt lại nửa chừng bởi cuộc điện thoại từ khu buồng giam. Dưới bóng chiều vàng vọt, Thiếu tá Hùng và các y, bác sỹ của Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương lại tất bật bắt tay vào công việc...
Phạm nhân nổi loạn, phá buồng biệt giam ngày Tết (Xã hội) - (Phunutoday) - Trong bữa cơm mùng 2 Tết, nhiều phạm nhân nhân la hét, kích động và phá khóa các buồng biệt giam cho phạm nhân khác thực hiện ý định bỏ trốn. |