Bão số 6 đạt đỉnh, Hà Nội đang mưa như trút, cây xanh gãy đổ ào ạt

( PHUNUTODAY ) - Mưa to kèm theo gió lốc cực mạnh đã khiến một cây xà cừ lớn đổ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) gây hỗn loạn giao thông.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, thủ đô Hà Nội hiện đang mưa rất to, gió giật rất mạnh.

Thông tin ban đầu về vụ việc cây xanh gãy đổ trong mưa lớn ở Hà Nội xảy ra vào khoảng 18h chiều 23/8, trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Thời điểm trên, mưa lớn kèm theo gió lốc cực mạnh bất ngờ đổ xuống Hà Nội đã làm đổ một cây xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn trước trụ sở UBND phường Cổ Nhuế 2 gãy đổ nằm chắn ngang ra đường.

cay-xanh-gay-do-trong-mua

 Hiện trường xảy ra sự việc cây xanh gãy đổ trên đường Hà Nội. Ảnh: Kiến Thức

cay-xanh-gay-do-trong-mua

 Lực lượng chức năng ngay sau đó có mặt tại hiện trường để xử lý cây xanh gãy đổ, đảm bảo thông thoáng giao thông cho các phương tiện. Ảnh: Kiến Thức.

Cây xà cừ đổ không gây thiệt hại đến người và tài sản. Tuy nhiên, sự việc xảy ra khiến giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hướng đi về bến xe Mỹ Đình bị tê liệt gần 2h đồng hồ.

Tiếp nhận thông tin sự việc, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội đã cử hàng chục cán bộ nhân viên đến hiện trường phối hợp với các đơn vị cắt tỉa và di tản cây đổ vào vỉa hè, tránh cản trở giao thông. Đến gần 20h, giao thông trên đường Phạm Văn Đồng đã được thông thoáng.

Ha-no-mua-1

Ảnh minh họa. 

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 (Hato), phía bắc Vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Cuối chiều 23/8, tâm bão ở trên đất liền phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 13.

Đêm nay và ngày mai, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng tây chếch bắc với vận tốc 25 km/h, đi sâu vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó, bão sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

16h ngày 24/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.

Trung tâm khí tượng dự báo trong đêm nay, do ảnh hưởng của bão, ở phía bắc Biển Đông tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh.

Ở Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6, riêng phía bắc khu vực này (bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-3 m, biển động. Trong đêm nay và sáng mai, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, Hà Giang có gió giật cấp 7.

Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng tây với vận tốc không đổi 25 km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Cơ quan khí tượng cảnh báo từ tối nay đến ngày 25/8, ở Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa 100-200 mm cả đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu 250-300 mm.

Liên quan đến tình hình phòng chống mưa bão, sáng 23/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 6.

Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, nhất là những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các hầm lò khai thác than… Đồng thời tăng cường dự báo tình hình mưa, lũ ở những khu vực trọng điểm phục vụ kịp thời công tác tham mưu trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo và các địa phương.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Tăng cường công tác dự báo để phục vụ việc chỉ đạo. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Viện Khí tượng Thủy văn các địa phương thu thập và đưa ra những dự báo cụ thể và chính xác hơn tại các vùng trọng điểm, nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét.

Những dự báo này phải được truyền tải kịp thời đến các thành viên Ban chỉ đạo và các địa phương để khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Đề nghị các địa phương phải thành lập kênh thông tin để truyền tải đến các huyện, xã, thậm chí đến các thôn, xóm, nhất là các vùng miền núi dễ bị chia cắt khi thiên tai xảy ra".

Theo:  khoevadep.com.vn copy link