Về mặt dinh dưỡng, trong 100 g thịt cá rô có chứa: nước 74,2 g, protein 19,1 g, lipid 5,5 g, tro 1,2 g; các chất khoáng vi lượng như calcium 16,4 mg, phosphor 151,2 mg, Fe 0,25 mg, vitamin B1 (thiamin) 0,01 mg, B2 (riboflavin) 0,1 mg, acid nicotinic 1,9 mg; tính ra nó cung cấp 126 kcal.
Cá rô là một nguồn dinh dưỡng rất tốt. Thịt cá rô thơm, bùi, béo mà không ngậy, dễ tiêu hóa. Những món ăn được chế biến từ cá rô luôn để lại cho người dùng một ấn tượng khó quên.
Từ món cá rô nướng ăn với đọt non nhãn lồng (lạc tiên), có hương vị đậm đà chất dân dã, đến món cá rô kho tộ với thịt ba chỉ, tất cả đã trở thành đặc sản tiêu biểu của món ăn Việt Nam. Người Việt nào xa quê lâu ngày mà chẳng nhớ da diết món cá rô kho tộ này!
Món ăn này có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, mạnh gân cốt, ích tỳ vị, nhuận trường, an thần, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ, suy nhược thần kinh, gân cốt yếu mỏi.
Ngoài ra, còn có món cá rô nấu với hành củ và rau răm, canh cá rô nấu miến (cá rô nấu với miến, nấm hương, hành củ, rau răm), những món rất ngon lại bổ dưỡng khí huyết, lợi ích cho tỳ vị.
Bài thuốc từ cá rô đồng
Bài 1: Cá rô đồng 200g, rau cải xanh 500g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cá rô sơ chế sạch, đánh sạch vảy, khía bụng, bỏ ruột, bỏ mang rồi rửa sạch nhớt. Đun sôi nước, cho cá rô đồng vào luộc cùng với gừng. Khi cá chín thì vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước. Rau cải rửa sạch, cắt ngắn khoảng 1cm. Đun sôi nước cá, cho rau cải xanh, thịt cá vào nấu, khi canh sôi lại lần nữa, nêm gia vị là được. Ăn trong bữa cơm. Ăn thường xuyên món này rất tốt cho những người khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa. Những người đang bị sốt, ra nhiều mồ hôi không nên dùng.
Bài 2: Cá rô đồng 3 - 5 con, đậu xanh 100g, gạo tẻ 100g. Cách làm: Cá rô luộc chín, gỡ lấy thịt, phi dầu hành và gia vị cho thơm. Gạo vo sạch nấu thành cháo, sau đó cho cá và gia vị vừa đủ, ăn nóng. Món cháo này rất tốt cho các trường hợp trẻ em nóng nhiệt chậm lớn.