Con hỏi nhà mình nghèo phải không, bạn trả lời thế nào? Câu trả lời của bạn quyết định tương lai con

( PHUNUTODAY ) - Khi con trẻ đặt ra những câu hỏi, cha mẹ đừng trả lời cho có, đặc biệt có những câu hỏi và cách trả lời của cha mẹ sẽ định hướng cho tương lai sau này của con.

Trẻ lớn lên trong sự tò mò và khám phá, tìm hiểu thế giới. Khi quan sát gia đình mình với gia đình bạn khác, khi nghe người khác nói chuyện, con cái sẽ có những cảm nhận nhất định. Do đó khi trẻ đặt câu hỏi tức là trẻ thật sự mong có câu trả lời, và câu trả lời của người lớn tác động nhiều tới sự phát triển của bé về sau. Do đó nếu cha mẹ không chú ý trong cách trả lời có thể khiến con trẻ nhìn nhận sai lệch.

Có những câu hỏi của trẻ khá nhạy cảm khiến cha mẹ khó trả lời, hãy chú ý:

con-hoi-cha-me

Nhà mình nghèo phải không?

Bạn sẽ trả lời ra sao nếu con hỏi "Nhà mình có giàu không mẹ?" hay "Nhà mình nghèo phải không mẹ?". Đôi khi nhiều cha mẹ trả lời ngay tắp lự Ừ nhà mình nghèo lắm. Những cách trả lời như vậy  có thể làm tổn thương bé. 

Gợi ý cho cha mẹ cách trả lời: Thực ra, đây là một trong những câu được hỏi nhiều khi trẻ từ 3-8 tuổi. Đó là độ tuổi trẻ hiểu rằng có sự đòi hỏi khác nhau về tiền và vật chất. Trẻ đặt ra câu hỏi này khi mà thấy mình không được mua nhiều thứ bằng bạn bè, hoặc có thể nghe chính người khác nói nhà nó nghèo đấy.

Câu trả lời không phải là có hay không, mà là để trẻ thảo luận và suy ngẫm. Do đó, bạn nên hỏi trẻ một câu như "tại sao con nghĩ vậy?", lắng nghe câu trả lời của trẻ và chúng ta nói về điều trẻ muốn nghe.

Khi mà con bạn mang so sánh giữa mình với nhà bạn khác thì bạn hãy giải thích cho con về sự biết ơn với những thứ chúng ta có, và vì sao chúng ta chưa cần có cái này cái kia. Nếu con thấy mình có nhiều thứ hơn bạn bè, hãy dạy con lòng trắc ẩn sự chia sẻ và biết ơn. Nếu con cảm thấy buồn khi không có thứ người khác có và cảm thấy tủi thân vì không có được thứ mình muốn, bạn có cơ hội tuyệt vời để giúp trẻ hiểu khái niệm về "thứ cần thiết" và "thứ muốn". Đừng nhấn mạnh vào chữ giàu và nghèo, cũng đừng lảng tránh câu hỏi của trẻ, cũng đừng giả vờ mình giàu có hay ép con nghĩ nhà mình nghèo đấy đừng đòi. Bởi những hướng nghĩ đó đều làm con buồn. Hãy dạy cho con hiểu vấn đề chưa phải ở có tiền hay không có tiền mà chúng ta chọn cách sống thế nào.

con-to-mo

'Tại sao mẹ đi làm, không ở nhà chơi với con?'

Nhiều khi chúng ta nói ra rằng mẹ phải đi làm để kiếm tiền cho con, nuôi con, mẹ không thể ở nhà như con mong muốn. Điều đó mang tâm lý tránh bị con đòi bố mẹ ở nhà. Nhưng với con trẻ sẽ cảm thấy chúng có tội lỗi, chúng là gánh nặng. 

Gợi ý cha mẹ cách trả lời: Điều trẻ thực sự quan tâm là tại sao mẹ không ở nhà, mà phải đi làm, việc đi làm có gì thực sự cuốn hút mẹ như vậy? Câu trả lời lúc này là giúp trẻ hiểu về công việc mẹ đang làm đó là câu trả lời tốt nhất.

Đây là lúc bạn có thể chia sẻ với con về giá trị của lao động và niềm yêu thích lao động. . Hãy chia sẻ với con về công việc của mình trong chừng mực đơn giản mà trẻ có thể hiểu được. Rồi bạn hỏi con "liệu điều gì xảy ra nếu mẹ không đi làm sáng nay?" và đợi câu trả lời. Để đứa trẻ tự nhận thức và suy ngẫm sẽ là câu trả lời giá trị nhất cho trẻ.

'Mẹ ơi, con sinh ra như thế nào?'

Nhiều khi cha mẹ bối rối không biết trả lời con như thế nào, thậm chí trả lời đại khái kiểu như nhặt con ở luống khoai, đẻ ở nách, ở trán...

Gợi ý cho cha mẹ cách trả lời: Khi con đặt câu hỏi này tức là trẻ đang tò mò về thế giới xung quanh. Nếu trẻ nhỏ hơn 3 tuổi thì câu trả lời có thể gắn gọn như mẹ sinh con từ trong bụng mẹ. Cho con xem ảnh bầu để thấy con ở trong bụng thì bụng mẹ to, con ra đời thì bụng mẹ bé. Trẻ sau 3 tuổi, câu trả lời có thể chi tiết hơn thông qua đọc sách và những câu chuyện thực tế.

Mỗi câu trả lời của bạn dành cho con chính là cách định hướng và cách dạy con của bạn. Có những câu hỏi hóc búa khó hơn, nếu chưa trả lời ngay bạn nên hẹn con vào lúc nào đó sẽ trả lời nhưng đừng hẹn rồi quên. Cách chúng ta trả lời trẻ chính là cách chúng ta dạy cho trẻ về cuộc sống nên đừng thờ ơ, đừng cho rằng trẻ đi học mới quan trọng, còn những câu hỏi kia liên quan gì tới điểm số đâu. Những câu hỏi không liên quan điểm số nhưng lại cực kỳ quan trọng với cuộc đời bé.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn